Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động lễ hội
VHO- Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL mới đây đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, tiếp tục từng bước đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp.
Lễ hội Đúc Bụt 2023 thu hút đông du khách nhưng không diễn ra cảnh tượng tranh cướp, xô đẩy Ảnh: NAM NGUYỄN
Đối với một số lễ hội thu hút đông người, Bộ nhấn mạnh, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án và tổ chức năm 2024 đảm bảo an toàn, văn minh, hiệu quả.
Ngăn chặn bạo lực, phản cảm
Từng là những “điểm nóng”, một số lễ hội như Hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); lễ hội Đúc Bụt (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc); lễ khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định); lễ hội Đền Sóc (Hà Nội)… đến nay đã cơ bản đi vào nề nếp. Những biểu hiện phản cảm, bạo lực dần được đẩy lùi, loại bỏ.
Tại hội Phết Hiền Quan, những hình ảnh bạo lực, không phù hợp với đời sống hiện đại trong nhiều mùa đã đặt ra bài toán khó với công tác quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng loay hoay xây dựng các phương án đổi mới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh cho lễ hội.
Trong nhiều năm, việc tổ chức đánh phết tại lễ hội này còn có những ý kiến trái chiều. Số đông nhân dân và du khách tự do tham gia tranh phết dẫn tới những hình ảnh bạo lực, giẫm đạp lên nhau, gây phản cảm và làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của lễ hội. Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, đặc biệt nhằm đẩy lùi những hình ảnh phản cảm, bạo lực này, UBND xã Hiền Quan đã nghiên cứu, xây dựng Đề án Đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Phết xã Hiền Quan.
Đề án đổi mới đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, văn minh và an toàn cho lễ hội. Đây cũng là yêu cầu được Bộ VHTTDL thường xuyên nhấn mạnh trong các chỉ đạo đối với lễ hội này. Ngay trước mùa lễ hội 2023, dự báo tình hình thu hút đông người, công văn của Cục Văn hóa cơ sở đã đề nghị địa phương xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội. Thực hiện chỉ đạo của Cục Văn hóa cơ sở và căn cứ tình hình thực tế, mùa lễ hội 2023, hội Phết Hiền Quan chỉ tổ chức phần nghi lễ tại đình, không tổ chức lễ đánh trận phết. Quyết định được đưa ra khi các điều kiện về cơ sở vật chất, sân phết, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại sân đánh phết theo quy định chưa đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ- CP.
Hướng đến mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, Vĩnh Phúc trong thời gian qua cũng đã tập trung đẩy lùi những tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lễ hội. Những lễ hội trọng điểm như Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), lễ hội Chọi trâu, lễ hội Đả cầu Cướp phết (huyện Lập Thạch)… hằng năm thu hút rất đông người dân và khách thập phương, dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập. Vì thế, việc chấn chỉnh các hoạt động, xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội này đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Đơn cử, tại lễ hội Đúc Bụt, trong nhiều năm, người đi lễ hội có xu hướng cực đoan hơn khi cố giành giật “lộc thánh” từ những mảnh chiếu úp trên đầu các “ông bụt”, dẫn đến những hình ảnh phản cảm. Từ năm 2020, Sở VHTTDL tỉnh phối hợp với UBND huyện Tam Dương đã hướng dẫn, chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh. Theo đó, địa phương đã xây dựng phương án đổi mới, chuyển từ “cướp chiếu” sang tản chiếu phát lộc. Nhờ vậy, lễ hội dần khắc phục được hiện tượng lộn xộn, tranh cướp, mang đến những hình ảnh đẹp, văn minh hơn.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Sau 5 năm triển khai Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, Bộ VHTTDL nhấn mạnh những chuyển biến tích cực về quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước. Bộ cũng nêu rõ, vẫn còn một số lễ hội để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội như: Hội Phết xã Hiền Quan, Hội Chọi trâu huyện Phù Ninh (Phú Thọ); Hội Chọi trâu huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); tục cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc); hành vi chen lấn, xô đẩy để cướp cờ, xin ấn tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định). Đối với những lễ hội này, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắp phục, đồng thời cử các đơn vị chuyên môn trực tiếp trao đổi với địa phương để đưa ra các giải pháp, phương án thay đổi hình thức tổ chức phù hợp, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách.
Cùng với việc ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn, Bộ VHTTDL cũng tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội.
Mới đây, Bộ VHTTDL tiếp tục có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực lễ hội. Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, bao gồm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, điều kiện để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn về trật tự xã hội, phòng chống cháy, nổ, an toàn giao thông, an toàn sông nước, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Đối với một số lễ hội như: lễ hội Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội); Đền Trần (Nam Định); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Yên Tử (Quảng Ninh); lễ hội Vía Bà (Tây Ninh); lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ); lễ hội Chọi trâu; lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)…, cần xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án và tổ chức năm 2024, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, văn minh, hiệu quả.
Đồng thời, hướng dẫn triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”; tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc…
Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống Việc sử dụng Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa là mục tiêu chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, vừa là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, BTC lễ hội tiến hành các hoạt động cải thiện, tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; từng bước loại bỏ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. THẢO PHƯƠNG |
MINH NGỌC