“Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” sẽ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Không bỏ sót tài năng

VHO- Trong Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã bổ sung đối tượng mới: “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”. Đây là nội dung phù hợp với thay đổi theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 cũng như thực tiễn đời sống văn hóa, nghệ thuật và công tác xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước trong lĩnh vực này.

“Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” sẽ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Không bỏ sót tài năng - Anh 1

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy lưu ý, để đảm bảo sự chính xác, khách quan, minh bạch, cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những đối tượng này, làm căn cứ triển khai trong thực tiễn.

Nhiều quy định mới

Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, hành lang pháp lý về xét tặng các danh hiệu này trong thời gian qua, bên cạnh hiệu quả thực tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”. Một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng cũng thay đổi, vì vậy, Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng cần xây dựng những quy định mới, phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; bổ sung và hoàn thiện những quy định hiện hành quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý, để đảm bảo sự chính xác, khách quan, minh bạch thì điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn.

Trên thực tế, quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: Đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. “Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP nhằm hoàn thiện, khắc phục những bất cập, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu…”, Thứ trưởng khẳng định. Những quy định mới được bổ sung, điều chỉnh cần được cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở kế thừa nền tảng hành lang pháp lý đã có và phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu trong thời gian qua. “Thực tế có nhiều nghệ sĩ, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội các nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do khá đông. Vì vậy, quy định, tiêu chí cần mang tính bao trùm, tránh bỏ sót…”, Thứ trưởng lưu ý.

Báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng Nghị định, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết, nội dung đáng chú ý là bổ sung thêm đối tượng mới “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” và xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ trong xét tặng danh hiệu đối với đối tượng này. “Bộ VHTTDL đã có công văn xin ý kiến với các đơn vị chức năng, các hội chuyên ngành. Cơ quan thường trực Ban soạn thảo Nghị định là Vụ Tổ chức cán bộ đã tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến Ban soạn thảo trước khi đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ VHTTDL để xin ý kiến rộng rãi theo quy định”, bà Nguyệt cho hay. 

“Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” sẽ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Không bỏ sót tài năng - Anh 2

Nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ là đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT. Trong ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng (bìa phải), người nổi tiếng qua nhiều thập kỷ cầm máy và có khối lượng tác phẩm đồ sộ về Hà Nội

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Dự thảo Nghị định, ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều. Phó Vụ trưởng Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết, dự thảo Nghị định gồm các quy định về đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật và thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của các đối tượng xét tặng danh hiệu; nguyên tắc xét tặng, thẩm quyền tổ chức xét tặng; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian, và đối tượng đặc thù…

Về quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, đối với danh hiệu NSND, ngoài những quy định chung, còn phải tiếp tục đạt tiêu chuẩn: Với cá nhân hoạt động nghệ thuật, phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng là của cá nhân) hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng của cá nhân) và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật, thiếu giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích và đón nhận, có 2 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải vàng quốc gia.

Đối với danh hiệu NSƯT, ngoài những quy định chung còn phải đạt tiêu chuẩn: Cá nhân hoạt động nghệ thuật, phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân) hoặc có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân) hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng cá nhân) và một số trường hợp đặc biệt đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật, thiếu giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích và đón nhận, có 2 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải vàng quốc gia.

Nhiều ý kiến đã được các thành viên Ban soạn thảo nêu. Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) lưu ý, Nghị định cần đảm bảo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, tôn vinh đủ, đúng, không bỏ sót tài năng. “Quy định giải Vàng cá nhân trong tiêu chuẩn xét tặng NSND, NSƯT phải là “cấp quốc gia”. Đây là danh hiệu vinh dự Nhà nước cao nhất, vì vậy cần đảm bảo giá trị. Mặt khác, cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa 2 Nghị định về quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT để không có sự chênh lệch. Đơn cử như Nghị định xét danh hiệu NSND, NSƯT quy định cụ thể số lượng giải thưởng, nhưng Nghị định quy định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước lại không quy định số lượng cụ thể, như vậy dường như Giải thưởng lớn hơn nhưng điều kiện lại dễ dàng hơn?..”, theo ông Phạm Huy Giang.

Về đối tượng mới tại dự thảo Nghị định là cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly (Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) đồng tình với quy định về đối tượng là nhạc sĩ sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc; tuy nhiên với đối tượng tác giả kịch bản múa, bà Ly Ly cho rằng cần cân nhắc, bởi thực tế có tác giả sáng tạo kịch bản múa nhưng không áp dụng được trên thực tế. Vì vậy, đối tượng này cần được quy định vừa sáng tạo kịch bản vừa đạo diễn trực tiếp trên sản phẩm nghệ thuật đó. Đồng thời, bà Ly Ly cũng không đồng thuận quy định nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh là đối tượng tác giả sáng tạo tác phẩm ở lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi đây không phải là nghệ sĩ sáng tác. “Các hội diễn văn hóa hiện nay trong các sân chơi nghệ thuật quần chúng rất nhiều, nếu lấy giải thưởng tại đây để xét tặng sẽ không phân biệt được giá trị giữa các giải thưởng của nghệ sĩ. Như thế sẽ có cả ngàn NSƯT, dần giảm mất giá trị danh hiệu…”, NSƯT Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nêu, cần cân nhắc khoản 2 Điều 4 của Dự thảo, hiện đang quy định: “Không sử dụng thành tích đã được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”. Trường hợp NSND, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh được trao tặng danh hiệu NSND từ các bộ phim đoạt Bông Sen Vàng và Giải thưởng quốc tế như: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đừng đốt..., nhưng cũng chính với những tác phẩm điện ảnh đó, đạo diễn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. “Luật Thi đua, khen thưởng mới quy định 1 tác phẩm không xét tặng 2 lần, Nghị định phải thống nhất với Luật. Tuy nhiên cần cân nhắc vì trên thực tế thì như vậy…”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà nêu.

Một nội dung khác bà Hà cũng đề nghị cân nhắc, hiện tại dự thảo Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT quy định: Việc xác định giá trị của giải thưởng tại các liên hoan, cuộc thi, giải thưởng về phim của các Bộ, ngành, quốc tế (khu vực và thế giới) sẽ do Cục Điện ảnh xác định. Tuy nhiên, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để có căn cứ pháp lý thực hiện. Tầm quốc tế và có yếu tố nước ngoài là rất khác nhau. Ví dụ, hiện nay tại Trung Quốc, tỉnh nào cũng tổ chức LHP, giải thưởng phim, tuy nhiên chỉ có LHP quốc tế Bắc Kinh và LHP quốc tế Thượng Hải mới được coi là đạt tầm quốc tế, do quốc gia tổ chức. 

 Thực tế có nhiều nghệ sĩ, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Nhiều nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do khá đông. Vì vậy, quy định, tiêu chí cần mang tính bao trùm, tránh bỏ sót…

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc