Kịp thời phát hiện, xử lý sai sót trong tổ chức thi hành pháp luật

VHO- Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào yêu cầu công tác và chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc điều tra, khảo sát nhằm thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Việc điều tra, khảo sát được tiến hành thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp hoặc các hình thức phù hợp khác.

Kịp thời phát hiện, xử lý sai sót trong tổ chức thi hành pháp luật - Anh 1

 Đoàn công tác của Bộ VHTTDL thanh, kiểm tra tại chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội

Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ VHTTDL năm 2022 vừa được Thứ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành. Kế hoạch nhấn mạnh tính kịp thời, đầy đủ, nghiêm minh, thống nhất và khả thi trong các quy định của pháp luật.

Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, chưa đầy đủ trong tổ chức thi hành pháp luật, những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, góp phần bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, nghiêm minh, thống nhất và khả thi trong các quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực.

Kế hoạch nhấn mạnh các yêu cầu: Khách quan, công khai, minh bạch; thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật; không trùng lặp, chồng chéo. Nội dung theo dõi thi hành pháp luật gồm: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành (tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết với văn bản được quy định chi tiết; tính khả thi của văn bản); tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật (tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật; tính phù hợp của bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật); tình hình tuân thủ pháp luật (tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân); tình hình xử lý vi phạm pháp luật.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực do Bộ VHTTDL được giao quản lý. Trong năm 2022, tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được thực hiện từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị; kết quả hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thông tin, phản ánh dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thông tin phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tổ chức đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm: đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; nghiên cứu, rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình thi hành các quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kịp thời phát hiện, xử lý sai sót trong tổ chức thi hành pháp luật - Anh 2

Về nội dung thành lập các Đoàn kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế tham mưu giúp Bộ trưởng kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý của Bộ. Các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp UBND cùng cấp kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý ở địa phương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào yêu cầu công tác và chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc điều tra, khảo sát nhằm thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Việc điều tra, khảo sát được tiến hành thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp hoặc các hình thức phù hợp khác. Trong trường hợp cần thiết, hoạt động điều tra, khảo sát có thể được thực hiện theo cơ chế cộng tác viên.

Tổ chức tổng kết, theo dõi, đánh giá tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của các Bộ, ngành và theo yêu cầu của công tác quản lý ngành, lĩnh vực. Căn cứ kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi báo cáo lãnh đạo Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo các nội dung: Ban hành kịp thời, đầy đủ văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật; thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tổ chức các cuộc họp để triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, xem xét, đánh giá tình hình, kết quả theo dõi thi hành pháp luật, xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật… để đề xuất phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực được giao hoặc đề xuất biện pháp quản lý nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. 

 VY ANH

Ý kiến bạn đọc