Đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí

VHO- Xác định rõ việc đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp sẽ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần phát triển ngành du lịch, vì thế Đà Nẵng đang có nhiều kế hoạch chuẩn bị cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm.

Đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí - Anh 1

 Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng ngày càng được đầu tư để phục vụ bạn đọc

Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao của khu vực và cả nước, tạo tiền đề phát triển các thương hiệu sự kiện, dịch vụ văn hóa, do đó việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí các cấp trên địa bàn thành phố, kêu gọi đầu tư những dự án, công trình văn hóa, thể thao, giải trí xứng tầm với vị thế thành phố nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm thành phố là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã hết sức quan tâm đến việc đẩy mạnh các điều kiện để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí trên địa bàn thành phố. Hoạt động của các thiết chế từng bước được cải thiện, ngày càng thu hút được người dân, du khách đến vui chơi, tập luyện, tham quan. Đặc biệt là các công trình, dự án lớn từng bước được đầu tư kể cả từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội đã góp phần to lớn vào sự phát triển chung của thành phố như các bảo tàng, thư viện, nhà hát, di tích, danh lam thắng cảnh…, các khu vui chơi giải trí, khu điểm du lịch quy mô như Bà Nà Hill, Công viên Châu Á, Helio, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần tài…

Tuy nhiên, có rất nhiều công trình đầu tư cho hoạt động giải trí, thể thao văn hóa, dù đã có kế hoạch từ lâu nhưng vẫn không thực hiện được. Nguyên nhân do một số dự án quy mô lớn kéo dài do thiếu kinh phí đầu tư, khó kêu gọi vốn, thủ tục pháp lý về đầu tư phức tạp, chậm đền bù giải tỏa như dự án Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, Công viên Đại Dương, Công viên Bách thảo, Bách thú, Khu liên hợp Thể dục thể thao Hòa Xuân … cũng là nguyên nhân khiến các công trình mãi không được thực hiện. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao vẫn còn hạn hẹp, cơ chế liên doanh, góp vốn xã hội hóa, quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều vướng mắc.

Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, hiện nay các dự án đã có chủ trương thực hiện, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hoặc đang đầu tư công trình. Đầu tư công có Bảo tàng Đà Nẵng; Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ; Trung tâm Văn hóa thành phố; Trùng tu, tôn tạo di tích, trong đó đặc biệt là Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang, Phước Ninh; Bảo tồn, tôn tạo Nhà cổ truyền thống trên địa bàn thành phố gắn với phát triển du lịch cộng đồng như làng cổ Phong Nam, Thái Lai… Để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thành phố đã đưa ra giải pháp thực hiện. Như trên cơ sở các công trình, dự án được đề xuất nêu trên, ngành xây dựng có trách nhiệm đề xuất, bổ sung quy hoạch trong thời gian tới. Đặc biệt, trong trường hợp thay đổi quy hoạch, cần có đề xuất thay thế, bổ sung vị trí cho dự án. Đất xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng. Ưu tiên dành quỹ đất của các dự án bị thanh, kiểm tra, thu hồi để đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc