Bộ VHTTDL: Hướng dẫn thực hiện việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

VHO – Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã ký công văn số 3664/BVHTTDL-PC về việc hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2023.

Bộ VHTTDL: Hướng dẫn thực hiện việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam - Anh 1

Trong công văn gửi các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ; Sở VHTTDL; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch PBGDPL ngành VHTTDL năm 2023 ban hành theo Quyết định số 3835/QĐ-BVHTTDL ngày 30.12.2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công văn số 1855/BTP-PBGDPL ngày 11.5.2023 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023, Bộ VHTTDL hướng dẫn thực hiện việc hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9.11 (Ngày pháp luật Việt Nam) năm 2023 như sau:

Tiếp tục tăng cường, nâng cao nhận thức của toàn ngành về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, tập trung các văn bản mới được Quốc hội thông qua trong năm 2023, các đề án về PBGDPL mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tăng cường truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận của xã hội; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

Công văn yêu cầu trên cơ sở bám sát các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, việc tổ chức các hoạt động cần thiết thực, gắn với hoạt động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật theo định hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở.

Nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.

Căn cứ điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2023 cần tập trung đẩy

mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quốc phòng và an ninh; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phòng, chống tội phạm; dân chủ ở cơ sở; dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; bản quyền tác giả; điện ảnh... kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dự luận xã hội...; thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là các điều ước quốc tế về nhân quyền, các Hiệp định Thương mại tự do, các thỏa thuận với các nước có chung đường biên giới...

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); lập đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)... góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Cùng với đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội dung các Luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với các dự án Luật, nhất là những dự án Luật có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân…

Về hình thức, căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị, các Sở có thể lựa chọn các hình thức tổ chức hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2023 cho phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Công văn cũng nhấn mạnh, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2023 cần tổ chức thường xuyên, liên tục và tập trung trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 15.10.2023 đến ngày 15.11.2023.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc