Số hóa di sản văn hóa, định hướng nghiên cứu lâu dài
VHO- Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ VHTTDL soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt đã khẳng định Đảng và Nhà nước rất coi trọng văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… Trong Dự thảo, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được coi trọng, thể hiện qua việc có riêng một mục chiến lược, mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, di sản văn hóa còn được lồng ghép trong rất nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo. Đây thực sự là điều rất đáng mừng.
Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm kết nối và thành lập Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam
Trong những nội dung liên quan đến di sản văn hóa, tôi muốn góp ý về một số vấn đề cụ thể sau:
Đào tạo chuyên gia giám định cổ vật: Cần đặc biệt coi trọng
Song song với việc ngày càng đổi mới và hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phù hợp tình hình thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực giám định cổ vật là cần thiết.
Luật Di sản văn hóa quan tâm và thừa nhận quyền sở hữu của tổ chức, cá nhận về cổ vật. Điều 42 Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Trong những năm trở lại đây, hoạt động sưu tầm, trao đổi mua bán cổ vật diễn ra sôi động. Giám định cổ vật không giống những ngành khoa học khác. Bản thân những người làm trong ngành giám định cổ vật cũng rất đặc thù. Thực tế cho thấy, việc giám định cổ vật ở nước ta hiện nay rất khó khăn do đồ giả cổ vật quá nhiều, thậm chí tràn lan. Để giám định được chính xác là cổ vật, đội ngũ giám định ngoài trình độ chuyên môn còn cần có kinh nghiệm nghiên cứu, thực tiễn cũng như cái “tâm” của người làm nghề.
Hiện nay, đội ngũ giám định cổ vật của nước ta còn rất thiếu, không đáp ứng hết nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, những chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn đều đã có tuổi. Nếu không có kế hoạch đào tạo thì sẽ rất khó khăn, thậm chí là hụt hẫng cho công tác giám định cổ vật sau này.
Số hóa di sản văn hóa: Định hướng nghiên cứu lâu dài
Dự thảo Chiến lược nêu mục tiêu đến năm 2030: “Thực hiện số hóa di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Việt Nam hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên, 13 di sản Văn hóa phi vật thể, đó là những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, và đặc biệt không thể không kể đến sự đa dạng, phong phú của trên dưới 8.000 lễ hội. Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành nói chung và di tích, cổ vật nói riêng, thích ứng với xu thế công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, số hóa di sản đã và sẽ gặp không ít khó khăn nảy sinh.
Khó khăn đầu tiên đó là máy móc và nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng việc triển khai nhiều hoạt động chuyên môn ứng dụng đến công nghệ số. Vấn đề tiếp theo là tài chính. Trên thực tế, khó có thể tính toán hết chi phí cho các dự án số hóa di sản văn hóa và việc duy trì chúng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin đi nhanh hơn rất nhiều so với quá trình số hóa di sản văn hóa. Như vậy, liệu những ứng dụng số trong việc số hóa hiện nay có bị lãng quên trong tương lai? Liệu những cơ sở dữ liệu hiện tại có thể dễ dàng chuyển đổi định dạng cho những công nghệ tiên tiến trong tương lai?
Vấn đề cuối cùng là việc mất tính chính xác trong quá trình số hóa di sản văn hóa. Phần nào của di sản văn hóa cần được số hóa: Vẻ đẹp kiến trúc truyền thống hay kỹ năng xây dựng những kiến trúc này? Câu trả lời tuy không khó nhưng không phải lúc nào công nghệ cũng đáp ứng đầy đủ những mong muốn của chúng ta.
Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha khoảng từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Sau đó là quá trình số hóa không gian Hoàng thành Thăng Long và nhiều di sản khác của Hà Nội cùng những họa tiết, hoa văn, chi tiết kiến trúc, mỹ thuật trong các công trình của Hoàng thành… Tuy nhiên, không phải bất cứ di tích nào cũng có thể tiến hành số hóa, như trường hợp điện Kính Thiên, những hình ảnh, tư liệu về di tích gần như không còn nên mọi thông tin về di tích đều mang tính phỏng đoán chứ không phải số liệu thực tế.
Số hóa nói chung và số hóa di sản văn hóa đã thực sự phát triển và ngày càng có những đóng góp tích cực vào trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, quá trình này còn cần phải được định hướng nghiên cứu lâu dài, cần có những chương trình đào tạo, giải pháp thực hiện cụ thể trong Chiến lược phát triển văn hóa hơn nữa.
PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
Phát huy giá trị của bảo tàng: Cần cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt chỉ tiêu “100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng cấp tỉnh”.
Chủ trương này đã có từ lâu và thực sự cần thiết. Sở dĩ cần thiết vì bảo tàng gắn với du lịch được xem như con đường ngắn nhất để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương, mỗi quốc gia; bên cạnh đó còn tạo ra giá trị vật chất kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể để phát huy giá trị của bảo tàng trong phát triển du lịch văn hóa.
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống bảo tàng khá đa dạng chia theo nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phân bố trên tất cả các tỉnh, thành phố. Một số bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, từng được một số trang web nổi tiếng của thế giới xếp vào danh sách bảo tàng hấp dẫn nhất của khu vực châu Á. Tuy nhiên, hoạt động bảo tàng nói chung vẫn còn những tồn tại, bất cập như: Nội dung trưng bày chưa thực sự được quan tâm, chú ý đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến được với đông đảo công chúng…
Thời gian qua, các hoạt động gắn kết giữa ngành Du lịch và Bảo tàng đã được triển khai, được sự quan tâm đối với những người làm du lịch, nhà quản lý bảo tàng, các đơn vị truyền thông. Nhưng thực tế số khách đến với các bảo tàng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cần đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể hơn để phát huy giá trị bảo tàng, đồng thời phân công trách nhiệm cho các đơn vị liên quan để triển khai. Mỗi bảo tàng với những đặc thù riêng có, cần sớm có kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với đơn vị. Có thể tính đến các giải pháp: Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày; đa dạng hóa hoạt động, quan tâm trưng bày, tổ chức triển lãm chuyên đề, đề cao tính tương tác với công chúng. Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hấp dẫn cho bảo tàng, hoạt động trải nghiệm cho du khách. Số hóa các câu chuyện gắn với các hiện vật, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ cũng như đầu tư dịch vụ bổ trợ, xây dựng các hình tượng, biểu tượng đặc trưng, độc đáo.
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội
Lực lượng các tổ chức xã hội liên quan đến di sản văn hóa có nhiều: Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian… Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nên đặt vấn đề phát huy sức mạnh của các tổ chức này thông qua việc mạnh dạn giao cho tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng chuyên môn cũng như các quy định khác về việc thực hiện đề tài, dự án.
Sở dĩ như vậy là bởi đã có rất nhiều chương trình, dự án được thực hiện từ các tổ chức phi chính phủ mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính riêng ở Hội Di sản văn hóa Việt Nam, năm 2020, về vật thể, trước đề nghị của một nhà sưu tập cổ vật tư nhân ở Hải Phòng, Hội DSVH Việt Nam đã thành lập Tổ Giám định cổ vật và tiến hành giám định, kiểm kê và lập phiếu đăng ký cho tổng cộng 370 hiện vật; tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá Bộ sưu tập, tiến tới xây dựng Hồ sơ đăng ký Bảo vật quốc gia cho cổ vật. Về phi vật thể, Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn Hà Nội hiện nay” do Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội (thành viên Hội DSVH Việt Nam) chủ trì được Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố nghiệm thu, đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn và khoa học. Kết quả của đề tài đóng góp cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Trên thực tế, khó có thể tính toán hết chi phí cho các dự án số hóa di sản văn hóa và việc duy trì chúng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin đi nhanh hơn rất nhiều so với quá trình số hóa di sản văn hóa. Như vậy, liệu những ứng dụng số trong việc số hóa hiện nay có bị lãng quên trong tương lai? Liệu những cơ sở dữ liệu hiện tại có thể dễ dàng chuyển đổi định dạng cho những công nghệ tiên tiến trong tương lai? Vấn đề cuối cùng là việc mất tính chính xác trong quá trình số hóa di sản văn hóa. Phần nào của di sản văn hóa cần được số hóa: Vẻ đẹp kiến trúc truyền thống hay kỹ năng xây dựng những kiến trúc này? |
PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ (Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)