Hãy bắt đầu từ giáo dục văn hóa trong gia đình
VHO- Sinh, dưỡng, giáo dẫu cổ kim thế nào thì vẫn là chức phận muôn thuở của gia đình. Những lẽ đời tưởng mộc mạc, giản đơn như vậy mà lại là cội rễ quan trọng bậc nhất trong đạo trị nước. Chúng tạo nên cái căn bản của một nền văn hóa, tạo nên điều mà người Việt xưa gọi là “văn trị”, tức là không chỉ có đức trị, pháp trị, lễ trị kiểu phong kiến nho giáo mà phải lấy tri thức văn hóa, văn hiến mà cai quản nhân sinh.
Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc giáo dục gia đình Ảnh: DUY NHỰT
Bởi vậy mà với tổ tiên xưa, giáo dục luôn là mục đích và nền tảng tự nhiên của gia đình. Từ quãng đời niên thiếu, trưởng thành cho tới lúc “tri thiên mệnh”, tức là biết được mọi lẽ đời, người ta luôn cần có sự nuôi dưỡng chở che, rèn luyện và dạy dỗ của gia đình. Từ đó có thể hiểu, không thể có chiến lược văn hóa đúng đắn nếu bỏ qua giáo dục văn hóa trong gia đình.
Vấn đề giáo dục gia đình hiện nay
Gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình trưởng thành, nhận thức và hành vi của mỗi con người. Con người được sinh ra và lớn lên trong mái ấm của gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình. Sự hình thành nhân cách từ giáo dục gia đình là những dấu ấn kiến thức đầu tiên không dễ phai mờ đối với mỗi con người.
Những bài học cơ bản mà mỗi người tiếp thu được trong gia đình sẽ giống như những vết mực đầu tiên trên trang vở trắng, tạo thành những nguyên tắc sống có chuẩn mực văn hóa trong suốt cuộc đời họ. Trong giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, gia giáo là bước đầu tiên của quá trình xã hội hóa giáo dục trong xã hội, là đơn vị duy nhất đảm nhiệm vai trò của giáo dục. Ông bà, cha mẹ chính là người thầy của trẻ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ nền tảng sơ khai của gia giáo mà các thiết chế giáo dục đã hình thành và phát triển trong xã hội, tạo thành muôn vàn những nguyên tắc và phương thức giáo dục phức tạp như ngày nay.
Ngày nay, đối với hầu hết các bậc cha mẹ trên thế giới, việc nuôi dạy con cái vẫn được xem không chỉ là một trong những niềm vui lớn nhất, mà còn là một trách nhiệm trong cuộc sống. Văn hóa, nhân cách trong gia đình là bước phát triển đầu tiên của văn hóa nhân cách xã hội. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái trong gia đình có thể được xem là nguyên nhân cơ bản nhất khiến chúng hư hỏng và xã hội mất kỷ cương. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại, với rất nhiều mối lo toan căng thẳng, việc đảm nhiệm chức năng chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng trở thành một vấn đề phức tạp đối với gia đình. Đối với một số nước, công việc này được chuyển giao mạnh mẽ từ gia đình sang xã hội và nhà nước. Trẻ em sinh ra tại các bệnh viện, lớn lên dưới bàn tay của các cô bảo mẫu, học tập trong các lớp mẫu giáo rồi các trường trung học nội trú, trưởng thành trong các mối quan hệ xã hội, gần gũi với các thầy cô giáo nhiều hơn với ông bà, cha mẹ và những người ruột thịt của mình. Các nhà quản lý xã hội theo xu hướng này hy vọng rằng với phương thức trên, họ có thể tạo ra được những công dân tương lai có ý thức xã hội, tập thể và cộng đồng mạnh mẽ, có trách nhiệm cao đối với sự xây dựng và phát triển đất nước...
Với một số nước khác, do nhiều lý do khác nhau, công việc giáo dục vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng của gia đình. Những nước nói trên chủ trương giữ lại những nguyên tắc cơ bản của gia đình truyền thống. Họ nhấn mạnh tới vai trò của người cao tuổi và các bậc cha mẹ tại gia đình trong việc giáo dục trẻ em, thậm chí có nơi còn đề cao việc phụ nữ ở nhà để vừa làm công việc nội trợ vừa chăm sóc giáo dục con cái, kêu gọi duy trì các hình thức giáo dục dựa vào sự tồn tại của gia đình mở rộng… Trong khi đó cũng có nhiều nước lại muốn dung hoà giữa xã hội và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục và xã hội hóa trẻ em. Họ chủ động, thông qua các chính sách của mình, vừa khuyến khích các bậc cha mẹ nâng cao ý thức của mình trong việc giáo dục con cái từ ngay trong gia đình, vừa kết hợp sự giáo dục gia đình với những phương thức giáo dục tập trung có sự hỗ trợ của Nhà nước, tìm cách vừa củng cố vai trò của gia đình vừa nâng cao trách nhiệm của xã hội.
Dù vận dụng phương thức nào đi chăng nữa thì cũng chưa có một nước nào công khai phản bác vai trò giáo dục của gia đình. Trên thực tế, trong những điều kiện của xã hội hiện đại, việc giáo dục trẻ em ngày càng trở thành một công việc phức tạp và khó khăn, một gánh nặng cả về cường độ lao động lẫn tiêu thụ vật chất. Trong nhiều trường hợp, cuộc sống hiện đại còn có thể biến con cái trong mỗi gia đình từ một tài sản thành một khoản nợ nần. Theo nhà xã hội học Mỹ John Macionis, hiện nay, hầu hết các bậc cha mẹ có con dưới 18 tuổi ở Mỹ đều đi làm nên dĩ nhiên họ cũng không có nhiều thời gian để chăm sóc và giáo dục con cái. Con cái của các gia đình này chủ yếu sinh hoạt ở trường hoặc ở nhà với các cô bảo mẫu. Hằng ngày ở Mỹ có khoảng 5 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 phải ở nhà một mình. Nhiều nhà xã hội học cho rằng việc suy giảm chức năng giáo dục của gia đình là một trong những nguyên nhân cơ bản làm tăng nhanh tỷ lệ các sai lệch xã hội, tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên. Chúng tạo ra những sự khủng hoảng về hệ thống giá trị và văn hóa.
Các nhà xã hội học ủng hộ việc gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống thường cho rằng trẻ em sẽ thực sự gặp nguy hiểm khi bị các bà mẹ bỏ rơi việc giáo dục gia đình để đi làm. Họ nêu ra những viễn cảnh hãi hùng về những đứa trẻ phải “ở nhà một mình” hoặc sống khốn khổ trong các trường nội trú, viễn cảnh mà những đứa trẻ không lớn lên từ giáo dục gia đình sẽ chẳng còn mặn mà gì với tình cảm ruột thịt và mái ấm gia đình. Ở nhiều nước, các trung tâm giáo dục trẻ em thay cho gia đình ngày càng mở rộng, đến nỗi chúng đã trở thành một kiểu “dây chuyền công nghiệp” chăm sóc trẻ em vậy. Mặt trái của mô hình này là lũ trẻ đã không nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc cần thiết của những người ruột thịt trong gia đình, thậm chí ngay tại các trung tâm giáo dục cộng đồng, các cô bảo mẫu cũng còn liên tục bị thay đổi nữa.
Ở nước ta, trong xã hội Việt Nam truyền thống, chức năng chăm sóc giáo dục trẻ em trước hết và bao giờ cũng thuộc về gia đình. Gia đình là trung tâm của việc chăm sóc giáo dục trẻ em. Trẻ em hư hỏng, vi phạm pháp luật và đạo đức cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm. Từ gia đình và xoay quanh gia đình là họ tộc và cộng đồng, người Việt Nam đã tạo nên một cơ chế chung chăm sóc, dạy dỗ, bồi dưỡng những định hướng cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp cho trẻ em. Ngay cả những nơi dạy học nổi tiếng của các thầy đồ, mô hình giáo dục cũng vẫn mang tính chất của giáo dục gia đình…
Người xưa cũng cho rằng hiệu quả giáo dục gia đình không chỉ đơn thuần nằm ở nội dung giáo dục, thái độ của người tiếp thu mà còn phụ thuộc vào phương pháp và cách thức giáo dục. Trên thực tế, các phương pháp giáo dục trong gia đình Việt Nam ngày xưa cũng được quan tâm mạnh mẽ, lúc nghiêm khắc, lúc mềm mỏng, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để phát triển những định hướng tốt đẹp, ngăn chặn những nhận thức và hành vi sai lệch... Tất cả tạo nên những chuẩn mực truyền thống trong văn hóa giáo dục gia đình mà ngày nay vẫn còn rất nhiều điểm có giá trị.
GS ĐẶNG CẢNH KHANH
Tạo sự thống nhất giữa chiến lược văn hóa và chiến lược gia đình
Trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 thì việc tạo một sự thống nhất chung mang tính định hướng giữa chiến lược phát triển gia đình với chiến lược phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết.
Trong điều kiện hiện nay, khi khá nhiều những nội dung và phương pháp giáo dục gia đình truyền thống không còn được coi trọng như trước, đồng thời những nội dung và phương pháp mới, hiện đại lại chưa được chọn lọc kỹ càng, chưa được thật định hình rõ, thì việc giáo dục trong gia đình ở nước ta đã có những lúng túng và vướng mắc nhất định. Nhiều gia đình, trước hiện tượng con cái hư hỏng đã quay trở về với những phương pháp cổ truyền, nghiêm khắc, khắt khe và thậm chí không ngần ngại sử dụng đòn roi với chúng. Có nhiều gia đình cho đến nay vẫn còn áp dụng những quy chuẩn chặt chẽ được gọi là “gia quy”, “gia giáo”, “gia phong” truyền thống mà nhiều khi đã xâm phạm tới cả “quyền trẻ em”. Cũng có nhiều gia đình lại tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở hơn với con trẻ, chỉ khuyên bảo, giải thích, thậm chí nuông chiều, chỉ cốt để con trẻ nhận thức được những điều mà họ cho là đúng đắn. Cạnh đó, không ít gia đình, do bận bịu công việc kiếm sống đã không coi trọng việc giáo dục trong gia đình, buông lỏng con cái, ỷ lại, trông chờ vào nhà trường, cộng đồng và xã hội.
Trong bối cảnh đó, vấn đề giáo dục gia đình cần phải được đặt ra rõ ràng trong chiến lược phát triển văn hóa. Để nâng cao vai trò của giáo dục gia đình, theo chúng tôi, chúng ta cần có sự nghiên cứu kế thừa sâu sắc các giá trị giáo dục gia đình truyền thống, kết hợp với những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, không phải bao giờ sự quan tâm, đầu tư chăm lo cho việc học hành của con cái cũng có tỷ lệ thuận với việc con cái học tập giỏi giang, có ý chí, ham học hỏi. Có những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn nhưng do quan tâm tới việc xây dựng các chuẩn mực văn hóa gia đình, con cái được quan tâm được giáo dục đầy đủ nên kết quả học tập của chúng vẫn rất tốt, nhưng cũng có những gia đình đủ đầy về vật chất nhưng con cái lại không muốn học, thích chơi bời lêu lổng.
Các cụ ta ngày xưa coi việc thường xuyên gần gũi tâm sự với con cái là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, cha mẹ dễ định hướng cho con cái, giúp chúng sửa chữa sai lầm một cách kịp thời. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái trong gia đình cũng chỉ đạt được hiệu quả khi chính các bậc cha mẹ cũng phải thực sự là những người biết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, văn hóa chung, là tấm gương sáng cho con cái học tập. Những điều tra của chúng tôi cũng đã cho thấy có 75,6% số người được hỏi khẳng định rằng muốn giáo dục tốt các con, bản thân các bậc cha mẹ phải là những người có nhân cách văn hóa, phải gương mẫu.
Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục gia đình là hết sức quan trọng. Nhiều gia đình khẳng định rằng để tăng cường vai trò của giáo dục gia đình, việc có ba thế hệ cùng sống trong một mái nhà là một yếu tố rất thuận lợi. Các số liệu điều tra xã hội học đã chỉ ra rằng, người cao tuổi là nhóm tuổi được trẻ em trút bầu tâm sự nhiều nhất trong gia đình. Với câu hỏi “Khi mắc lỗi và nếu bị hình phạt, em đã tìm đến ai để tâm sự”. Chúng ta có kết quả cụ thể như sau: Ông bà 60,5%, bạn thân 58,4%, mẹ 27,6%; bố 14,2%, thầy cô 1,8% và người lớn khác là 1,4%. Như vậy, bên cạnh bạn bè thân thì ông bà chính là đối tượng mà các em cảm thấy gần gũi và dễ tâm sự nhất.
Để tăng cường vai trò của giáo dục của gia đình thì sự phối hợp giữa giáo dục gia đình với việc hỗ trợ của cộng đồng và nhà trường là hết sức cần thiết. Trong những năm gần đây nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động, sáng tạo nhiều hình thức chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, phối hợp gia đình và cộng đồng trong giáo dục. Nhiều địa phương đã có các hình thức tuyên dương những tấm gương hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, những tấm gương trong sáng về tình yêu, tình bạn, về sự thuỷ chung son sắt vợ chồng trong cộng đồng dân cư. Gần đây, có nhiều ý kiến đề nghị đưa Đội Thiếu niên tiền phong về phối hợp, mở rộng các nội dung và hình thức hoạt động tại các địa bàn dân cư. Nhiều địa phương đã xây dựng nhà truyền thống, giáo dục cho con em những giá trị tốt đẹp của làng xã, địa phương, tổ chức các hình thức tìm hiểu về danh nhân của địa phương, khuyến khích các em tham gia tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt chung của cộng đồng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến lược phát triển văn hóa với chiến lược phát triển gia đình cũng chính là cơ sở quan trọng và cần thiết để chúng ta có điều kiện giúp các gia đình thực hiện tốt hơn vai trò giáo dục của mình, tạo nên những con người có văn hóa trong một xã hội mà từ xưa chúng ta đã gọi là xã hội “văn trị” .
Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục gia đình là hết sức quan trọng. Nhiều gia đình khẳng định rằng để tăng cường vai trò của giáo dục gia đình, việc có ba thế hệ cùng sống trong một mái nhà là một yếu tố rất thuận lợi. Các số liệu điều tra xã hội học đã chỉ ra rằng, người cao tuổi là nhóm tuổi được trẻ em trút bầu tâm sự nhiều nhất trong gia đình. |
GS ĐẶNG CẢNH KHANH