Đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Ồ, bạn là người Việt Nam!

VHO- Nói đến Việt Nam, một số người Tây Ban Nha ban đầu còn e dè trước một nền văn hóa xa lạ, nhưng dần dần họ mở lòng để đón nhận và sẵn sàng tìm hiểu thêm. Thậm chí, họ còn mong muốn đến Việt Nam để được tự mình trải nghiệm cảm giác đi xe máy trên phố đông người, ngồi ăn ở quán vỉa hè hay thưởng thức những âm thanh, hình ảnh sống động của cuộc sống nơi mảnh đất hình chữ S.

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Ồ, bạn là người Việt Nam! - Anh 1

 Người bạn Tây Ban Nha thích thú thưởng thức món nem rán truyền thống của Việt Nam

 Đối với người dân châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng, Việt Nam chưa được biết đến một cách rộng rãi, dù cho lượng du khách Tây Ban Nha đến Việt Nam ngày một tăng cao. Tại đây, số đông vẫn đánh đồng văn hóa Trung Quốc là đại diện cho văn hóa Á Đông. Vì thế, với tư cách là một người con đất Việt, tôi luôn mong muốn và cố gắng bằng những cách văn minh nhất để mang một số nét văn hóa Việt Nam đến với mảnh đất Địa Trung Hải nồng nhiệt này.

Ngày đầu khi tôi mới đặt chân đến Tây Ban Nha để theo học chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu quốc tế về Hòa bình, Xung đột và Phát triển (International Peace, Conflicts and Development Studies), các bạn cùng lớp từ các quốc gia Mỹ La tinh, châu Phi hay thậm chí là Trung Đông mới chỉ nghe qua về Việt Nam, ai cũng hỏi để có được nhiều thông tin nhất có thể. Thầy cô giáo trong Khoa vô cùng ngạc nhiên khi có tôi là sinh viên Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi chương trình này được đưa vào giảng dạy. Và đặc biệt, người thầy sáng lập khóa học vô cùng hãnh diện, cảm động khi có người Việt góp mặt trong chương trình của mình. Một cảm giác rất lạ lẫm, xen lẫn tự hào khi tôi được mọi người chú ý và quan tâm vì mảnh đất nơi mình xuất thân.

Người dân nơi đây đa phần biết đến Việt Nam qua chiến tranh, những tin tức đã cũ trong quá khứ, ở một số nơi vẫn ghi là Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam. Mỗi lần đi làm giấy tờ tại văn phòng Sở Di trú, Cảnh sát nhập cư… tôi lại tranh thủ chút thời gian ít ỏi để giải thích cho họ nghe về một Việt Nam thống nhất. Những câu hỏi như: “Việt Nam ở đâu?”; “Việt Nam còn chiến tranh và nghèo đói không?”; “Việt Nam có an toàn không?” hay “Người Việt có nói tiếng Trung Quốc không?” có thể khiến bất kỳ người Việt xa xứ nào cảm thấy chạnh lòng nhưng đó cũng là động lực mỗi ngày giúp tôi tìm ra những cách chân thực, văn minh để quảng bá đất nước và con người Việt Nam.

Dù cho có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và địa lý như vậy, tôi may mắn khi quen và làm bạn với nhiều người Tây Ban Nha thân thiện, gần gũi. Và cách tôi hay làm nhất để giới thiệu văn hóa Việt Nam là ẩm thực. Câu nói: “Cách nhanh nhất để đến trái tim của một người là qua dạ dày” quả không sai chút nào.

Phở, nem rán, bún chả, bún bò Huế hay cơm rang, mì xào luôn là những món ăn tôi đãi bạn bè và gia đình dịp cuối tuần hay những ngày lễ truyền thống Việt Nam. Hương vị món ăn độc lạ, sự cân bằng giữa các nguyên liệu, gia vị hài hòa, cách làm cầu kỳ để cho ra một món ăn tinh tế và đẹp mắt đã chinh phục rất nhiều người Tây Ban Nha. Trong những dịp như vậy, mọi người vui vẻ cùng tôi vào bếp như thể đang tham gia một lớp học nấu các món Việt. Tự hào hơn nữa khi bạn bè và gia đình đã hiểu thêm về ẩm thực Việt Nam, biết cách phân biệt món Việt và món Trung Quốc được bán rộng rãi tại các nhà hàng, quán ăn châu Á ở đây - những món ăn mà trước đây họ thường đánh đồng là món ăn Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên giới thiệu những bộ phim tài liệu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tới những người xung quanh. Trên những kênh truyền hình của Tây Ban Nha như La 2 hay Viajeros Callejeros, mỗi khi có tập phát sóng về Việt Nam, tôi lại nhắn tin cho bạn bè để mọi người cùng xem và bình luận. Nhờ vậy, những người ban đầu còn e dè trước một nền văn hóa xa lạ, đôi khi còn có thái độ lánh xa đã dần dần mở lòng để đón nhận và sẵn sàng tìm hiểu thêm. Thậm chí họ còn mong muốn đến Việt Nam để được tự mình trải nghiệm cảm giác đi xe máy trên phố đông người, ngồi ăn ở quán vỉa hè hay thưởng thức những âm thanh, hình ảnh sống động của cuộc sống nơi mảnh đất hình chữ S.

Nói tới thời trang Việt Nam tại nước ngoài, chúng ta không thể không nói đến Áo dài - quốc phục nước Việt. Các bạn có thể tưởng tượng được sự ngưỡng mộ và yêu thích của người Tây Ban Nha khi thấy ai đó diện Áo dài trên phố không? Tôi không chỉ tưởng tượng đâu, tôi đã sống khoảnh khắc đó và mỗi khi xem lại ảnh chụp, ai cũng thốt lên Áo dài đẹp quá và mong muốn sở hữu một bộ áo như vậy. Phải nói rằng, người Tây Ban Nha duy mỹ, rất yêu cái đẹp và tôn thờ cái đẹp. Nói vậy để thấy, chúng ta tôn vinh nét đẹp Việt không chỉ bởi gốc gác của mình, mà đó là sự thừa nhận của quốc tế đối với nét đẹp Việt.

Một lần, vào năm 2017, tôi vinh dự được góp mặt hỗ trợ sự kiện Vietnam Tourism Roadshow - quảng bá du lịch Việt Nam do Bộ VHTTDL kết hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và công ty Asia Paradise tổ chức tại Valencia. Hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, hương vị trà bánh truyền thống hay giai điệu nhạc đậm chất quê hương Việt Nam được cất lên tại sự kiện đã như mang một hơi thở mới về du lịch Việt đến với người dân nơi đây. Sự kiện là đòn bẩy giúp người dân Tây Ban Nha quan tâm hơn đến Việt Nam và thúc đẩy nhu cầu du lịch ngày một lớn của người dân châu Âu tới quốc gia châu Á đầy tiềm năng.

Tiếng Tây Ban Nha là một trong ba ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới. Chính vì thế, đa phần người Tây Ban Nha không sử dụng ngôn ngữ khác để giao tiếp. Có thể sự khác biệt ngôn ngữ là rào cản cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha nhưng tôi xin khẳng định một lần nữa, ẩm thực chính là ngôn ngữ hữu ích nhất, dù không cất lời nhưng ai cũng có thể hiểu và cảm nhận. Vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng những ưu thế đó để kết nối với nhau?

Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi không thể phủ nhận những điều đáng quý đã học được khi tiếp xúc và sống trong một nền văn hóa mới, hoàn toàn khác biệt. Không chỉ là tôi giới thiệu văn hóa Việt đến với đông đảo người Tây Ban Nha, mà những con người đáng mến đó cũng đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều. Vậy nên các bạn trẻ, hãy đừng tự trói buộc mình trong vòng an toàn, hãy mạnh dạn bước ra thế giới rộng lớn và hòa mình vào đa văn hóa! Mỗi cá nhân hãy là đại sứ văn hóa đưa văn hóa Việt đến muôn nơi! Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ tự hào mỉm cười khi bất kỳ người bạn quốc tế nào cũng có thể nhận ra tiếng Việt, hiểu những nét văn hóa Việt đặc sắc và hào hứng cất lời: “Ồ, bạn là người Việt Nam!”. 

HOÀNG YẾN

Ý kiến bạn đọc