Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Đờn ca tài tử - Cải lương “dấn thân” vào văn hóa nước bạn
VHO- Ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách ngoại giao của các nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc quảng bá và tạo thương hiệu riêng cho văn hóa của đất nước mình, từ đó, bức tranh đa dạng văn hóa thế giới ngày càng trở nên tươi đẹp và sống động.
Cần đưa Đờn ca tài tử - Cải lương vào lộ trình du lịch của các địa phương (ảnh minh họa)
Cần định kỳ đưa âm nhạc truyền thống ra nước ngoài biểu diễn
Mỗi vùng miền Việt Nam đều có những đặc sản âm nhạc truyền thống, được lưu giữ, kế thừa và phát huy qua nhiều thế hệ. Để rồi, với bề dầy thời gian, những đặc sản này có những nét rất riêng không trộn lẫn, trở thành nét đặc trưng không chỉ cho vùng miền đó, mà khi nhắc đến là người ta nghĩ ngay tới dân tộc Việt. Trong xu thế quảng bá những nét đặc trưng văn hóa ngày càng mạnh, các bộ môn âm nhạc truyền thống giữ vai trò không hề nhỏ và việc đưa ra thế giới là điều cần thiết.
Âm nhạc là con đường ngắn và hiệu quả để kết nối những trái tim, để các dân tộc tiếp cận, làm quen, hiểu về nhau và từ đó có thể kết nối hợp tác không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn nhiều lĩnh vực khác. Thiết nghĩ, cần đặt âm nhạc truyền thống ở một vị trí tương xứng trong chính sách ngoại giao văn hóa quốc gia để có những biện pháp bảo tồn, phát huy và quảng bá tương xứng. Bởi hiện tại, có lẽ âm nhạc truyền thống chỉ mới dừng ở bảo tồn một cách thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư thỏa đáng, việc quảng bá còn chưa có chiến lược tổng thể rõ ràng.
Còn nhiều việc phải làm, nhưng ở đây xin nhấn mạnh một yếu tố: Cần có chính sách cấp quốc gia trong việc định kỳ đưa các loại hình âm nhạc truyền thống đi biểu diễn ở nước ngoài. Và khi đó, không chỉ tập trung ở các lễ hội lớn, ở các trung tâm văn hóa Việt Nam, mà nên tăng cường kết nối biểu diễn ở các địa phương, ở các lễ hội, hội chợ của nước bạn. Muốn được như vậy, thì bộ phận làm công tác ngoại giao của ta ở các nước cần năng động hơn để kết nối.
Đờn ca tài tử - Cải lương (ĐCTT-CL) xuất phát từ vùng đất phía Nam, theo thời gian đã dần chinh phục được con tim người mộ điệu cả nước. Chúng ta thấy, có những lúc, nhiều tỉnh miền Bắc có đoàn Cải lương; nhiều đoàn Cải lương miền Nam đi lưu diễn ở miền Bắc và miền Trung được người mộ điệu hưởng ứng nhiệt liệt. Cũng thường thấy, trong cuộc thi ca vọng cổ được tổ chức ở miền Nam mà có sự tham gia của những thí sinh đến từ miền Bắc, miền Trung…
Đờn ca Tài tử đã vinh dự được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Đây là hai loại hình nghệ thuật có mối quan hệ gắn bó mật thiết theo kiểu “tuy hai mà một”. Đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử đã từng được đưa đi quảng bá ở Hội chợ thuộc địa của Pháp tổ chức tại thành phố Marseille và cũng đã trình diễn ở nhiều nước trên thế giới. Đây không chỉ là đặc sản âm nhạc miền Nam, mà còn là một nét bản sắc của cả dân tộc, và trong chính sách ngoại giao văn hóa quốc gia, ĐCTT-CL cần có một vị trí xứng đáng.
Trước nhất, cần có một chiến lược tổng thể cấp quốc gia về việc bảo tồn và phát huy ĐCTT-CL. Cần đưa ĐCTT-CL đi biểu diễn ở các nước một cách định kỳ theo những kế hoạch cụ thể, chứ không chỉ dừng ở việc đưa đi biểu diễn một cách ngẫu hứng hay ngẫu nhiên.
Đưa ĐCTT-CL vào lộ trình du lịch của địa phương
Bên cạnh việc biểu diễn ĐCTT-CL phục vụ lễ hội lớn của Việt Nam tổ chức ở các nước, thì cũng cần lưu ý đến việc đưa ĐCTT-CL “dấn thân” vào các hoạt động văn hóa của nước bạn. Trong những hội chợ hay những lễ hội địa phương của nước sở tại, cần tăng cường đưa loại hình này đến biểu diễn giao lưu. Có được như vậy, ĐCTT-CL sẽ có nhiều cơ hội được trình diễn, góp phần vào việc quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam.
Quảng bá ĐCTT-CL trong du lịch cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc quảng bá bản sắc văn hóa Việt. Công tác này cần được quan tâm nhiều hơn và tổ chức bài bản hơn. Mỗi địa phương cần quan sát những địa phương khác để việc tổ chức ĐCTT-CL trong du lịch của mình có nét độc đáo riêng, bởi lẽ, đã có nhiều ý kiến cho rằng, đến các tỉnh Tây Nam Bộ du lịch, ở địa phương nào cũng có ĐCTT-CL và cách tổ chức tương đối giống nhau.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý nhiều hơn đến việc “giới thiệu” ĐCTT-CL và “trình diễn” ĐCTT-CL. Các cơ sở du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến công tác “giới thiệu”. Chúng ta thường thấy, MC cầm micro và nói: “Sau đây là bài A, do nghệ nhân B biểu diễn”, rồi sau đó nghệ nhân bước ra, như vậy, việc giới thiệu đã bị xem nhẹ, thay vì phải nói nhiều hơn về nội dung bài hát, tác giả và ý nghĩa, nét đặc sắc của bài hát đó. Đối với khách du lịch ngoại quốc, thì phần giới thiệu càng cần chú trọng hơn nữa. Tức là, trước khi hát, cần giới thiệu cho dễ hiểu nét độc đáo của ĐCTT-CL, các loại đờn đang hiện diện, nội dung bài hát hoặc trích đoạn sắp được trình diễn... Nói một cách nôm na thì đó là: Cần cho du khách biết là họ sắp được ăn món gì, món đó ngon ở chỗ nào, và phải giới thiệu làm sao cho du khách thấy rằng “ôi món ăn này độc đáo làm sao!”.
Một điều quan trọng nữa là cần thật sự đưa ĐCTT-CL vào lộ trình du lịch của một địa phương. Tức là, khi đến địa phương nào đó, ĐCTT-CL cần có tên chính thức trong lộ trình tham quan chứ không phải chỉ được phục vụ theo kiểu “ăn theo” khi du khách ghé đến vườn trái cây hay ăn trưa ở một nhà hàng nào đó.
TP.HCM là đầu tàu kinh tế quốc gia, nơi có nhiều khách du lịch quốc tế, công tác quảng bá ĐCTT-CL càng phải chú trọng hơn. Những địa điểm ĐCTT-CL cần được đưa vào lộ trình chính thức tham quan thành phố. Các công ty du lịch, tùy khả năng, có thể chọn địa điểm để tổ chức ĐCTT-CL trong tour của công ty mình. Ở tầm thành phố, nhà nước cần đầu tư một địa điểm chính thức dành cho loại hình này. Địa điểm này cần quy mô, hiện đại để khi du khách thưởng thức ĐCTT-CL và cảm nhận không khí truyền thống trong hiện đại, họ cũng sẽ được vào khu trưng bày giới thiệu lịch sử, nét độc đáo, hình ảnh xưa nay của ĐCTT-CL. Tức là, du khách quốc tế đến địa điểm quy mô này, không chỉ được thưởng thức ĐCTT-CL, mà còn được chính thức tiếp cận lịch sử văn hóa của một nước. Mô hình này đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công mà chúng ta có thể tham khảo.
Tóm lại, ĐCTT-CL cần có chỗ đứng xứng đáng trong chính sách ngoại giao văn hóa quốc gia của Việt Nam, cần được đầu tư xứng đáng và tổ chức bài bản, hiệu quả hơn nữa.
TS LÊ HỒNG PHƯỚC