Tổng kết cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”
VHO- Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” do Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, được phát động từ ngày 14.4.2022 và kết thúc nhận bài dự thi ngày 30.9.2022. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; các lực lượng bộ đội biên phòng, các tổ, đội tuyên truyền lưu động, đoàn viên thanh niên, sinh viên... với các bài thi phong phú, đa dạng, phản ánh thực tiễn, cơ sở.
Ảnh minh họa
Qua hơn 5 tháng phát động, BTC nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và sự tham gia vào cuộc của Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương, đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia cuộc thi.
Để triển khai sâu rộng cuộc thi, Vụ Pháp chế đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành các Công văn phát động hưởng ứng Cuộc thi gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cũng đã ban hành văn bản để hướng dẫn, quán triệt, đôn đốc việc hưởng ứng tham gia cuộc thi. Cục Văn hóa cơ sở và một số đơn vị thuộc Bộ đã có văn bản gửi hệ thống các Trung tâm văn hóa cấp tỉnh và các đơn vị liên quan về hưởng ứng tham gia cuộc thi.
Tại địa phương, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã tham mưu UBND ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và vận động, khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng cuộc thi. Để huy động sự quan tâm, vào cuộc của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, một số tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị hưởng ứng cuộc thi.
Cuộc thi cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức và cá nhân trên khắp cả nước. Bên cạnh yếu tố về vùng miền, các bài dự thi còn có sự đa dạng về tuổi tác, có những bài đến từ các em học sinh THCS độ tuổi khoảng 11- 14, cũng có những bài dự thi của những người cao tuổi, như bài dự thi của cụ Trần Ngọc Uy, sinh năm 1938. Các bài dự thi không chỉ đa dạng về vùng miền, đa dạng về thành phần tri thức, độ tuổi mà còn có sự đa dạng về dân tộc như dân tộc Tày, Hoa, Khmer, Mường... Kết thúc thời gian phát động, BTC đã nhận được tổng số 1015 bài dự thi, gồm 191 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như: tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), lực lượng Bộ đội Biên phòng (166 bài)...
Nội dung chủ đề phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, gồm: pháp luật về thủy sản, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực gia đình, kinh tế, văn hóa, xã hội, an toàn giao thông, trẻ em,...là những quy định pháp luật sát với thực tiễn cơ sở. Phạm vi đối tượng áp dụng đa dạng như: trường học, khu vực biên giới, các thôn, xã, huyện biên giới, quần chúng nhân dân địa phương nơi các chiến sĩ bộ đội đóng quân,...địa bàn hoạt động của các tổ đội tuyên truyền văn nghệ, điện ảnh. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đề cập trong các bài thi phong phú, sinh động, sát thực tiễn, gồm: lồng ghép sinh hoạt văn hóa, tiểu phẩm, phiên tòa giả định, trưng bày các loại sách, báo, tạp chí pháp luật, phát loa lưu động, phục vụ sách lưu động, tổ chức cuộc thi ảnh, tổ chức các tiết mục hát, múa, tiểu phẩm hài liên quan đến pháp luật, sinh hoạt dưới cờ, câu lạc bộ,...
Nhiều sáng kiến, mô hình dự thi đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trên thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân tuân thủ pháp luật. Giúp cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ nội dung được tuyên truyền một cách dễ nhớ, dễ hiểu.
Ảnh minh họa
Nhiều sáng kiến mô hình có tính khả thi, phù hợp với đối tượng trên địa bàn, đã và đang được phổ biến nhân rộng như mô hình: tuyến biên giới, trong trường học,... Nhiều mô hình đã được áp dụng từ năm 2017 – 2018 đến nay.
Ngay sau khi tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi, BTC Cuộc thi sẽ triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn, giới thiệu các sáng kiến, mô hình thiện PBGDPL hiệu quả, từ đó phổ biến, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, cách làm hay về PBGDPL thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở trong thực tiễn, đặc biệt đối với đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc PBGDPL linh hoạt, từ thực tiễn cơ sở thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở đã không chỉ góp phần để pháp luật đi vào cuộc sống, mà còn mang hơi thở của cuộc sống đến với các quy định của pháp luật.
Trên cơ sở Thể lệ Cuộc thi, Ban Giám khảo đã ban hành Quy chế chấm thi và tổ chức chấm đảm bảo chính xác, khách quan, kết quả: Giải tập thể: 10 bài; Giải cá nhân: 11 bài. Một số mô hình, sáng kiến tiêu biểu tham dự cuộc thi: “Mỗi tháng một bộ luật”, “Tổ chức biểu diễn tuyên truyền lưu động gắn với tuyên truyền, giáo dục”, “Tuyên truyền viên cơ sở”, “Tổ chức cuộc thi “Hùng biện dưới cờ”, “An toàn giao thông- Hạnh phúc mọi người, mọi nhà”, “Ngôi nhà trí tuệ”,..
Cuộc thi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với công tác PBGDPL trong năm 2022 và được đánh giá là một hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa trong công tác PBGDPL, đặc biệt là thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Việc tổ chức Cuộc thi đã giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức cuộc thi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số địa phương chưa chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, truyền thông, đôn đốc hưởng ứng, tham gia cuộc thi nên số lượng người tham gia chưa cao. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu nhưng phương pháp tiếp cận chưa tốt, chưa đúng thể lệ cuộc thi nên chất lượng bài chưa cao.
HÀ PHƯƠNG