Những khoảnh khắc còn mãi

VHO- Không thể nói hết những khoảnh khắc cảm động về người lính biển nhưng niềm đam mê vẫn dẫn dắt các nhà nhiếp ảnh tiếp tục cầm máy, lên những con tàu để truyền tải cuộc sống ngoài biển đảo xa xôi… Nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình luôn tự hào được thực hiện sứ mệnh ấy.

Những khoảnh khắc còn mãi - Anh 1

Trong Cuộc thi ảnh nghệ thuật về đề tài Biển, đảo quê hương do Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ VHTTDL tổ chức năm 2018, nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình là tác giả may mắn được nhận hai giải thưởng (một giải Nhất, một giải Khuyến khích) và có 4 tác phẩm được triển lãm. Cũng như các tác giả khác, anh hạnh phúc, nhưng đó không chỉ vì giải thưởng mà là thấy mình được truyền tải tới công chúng hình ảnh đẹp về biển, đảo quê hương, nhất là hình ảnh người chiến sĩ hải quân hiền lành nhưng rất kiên cường trước sóng to bão lớn.

Có đi mới thấy…

Mỗi người cầm máy đều có một đam mê riêng để theo đuổi, với nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình, hình ảnh người chiến sĩ hải quân luôn luôn là đẹp nhất. Khát khao của anh là được ghi lại, giống như ngày xưa mơ ước được một lần chụp anh bộ đội hải quân, cứ nhìn thấy anh bộ đội hải quân đi về làng là tràn ngập cảm xúc. Cảm giác ấy in sâu vào trong đầu, lớn lên, biết cầm máy, anh được đi, cùng ăn ở, cùng sinh hoạt, chụp hình những người lính bộ đội hải quân, những con người nơi đầu sóng ngọn gió đầy trách nhiệm trên vai.

Trong các tác phẩm triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, khán giả đặc biệt xúc động về các bức ảnh của anh, những cảnh trùng khơi, bộ đội hải quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển thiêng liêng, cuộc sống mộc mạc thường ngày trên các nhà giàn... Anh cho biết, đó là những khoảnh khắc sinh hoạt, làm nhiệm vụ của bộ đội vùng 2 Hải quân và trên nhà giàn vùng biển phía Nam Tổ quốc. Có ở gần mới biết các anh vất vả, khổ cực như thế nào. Có trải nghiệm, chuyện trò với các anh mới hiểu, hiểu rồi thì chụp lại. Những cái đó không nói thành lời được, sự hy sinh, tuổi trẻ, sương gió, bão bùng, nỗi cô đơn, nhớ nhà… Cuộc sống trên nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió, vất vả mưa to gió lớn, thiếu nước, xa người thân, thiếu tiếng người. Nhưng nơi đó là ngôi nhà của ngư dân đánh bắt xa bờ, là nơi cung cấp nước ngọt cho ngư dân, cung cấp lương thực, rau cỏ, thậm chí thuốc thang bệnh tật, sửa chữa tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng lãnh hải, không vi phạm lãnh hải của các nước bạn. Đó là những điều mình có đi mới thấy.

Bộ ảnh Bảo vệ chủ quyền biển đảo Ngôi nhà giữ biển ra đời trong hoàn cảnh ấy, như một sự tôn vinh hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ đang ngày đêm bám biển.

Những khoảnh khắc còn mãi - Anh 2

Truyền cảm hứng về biển, đảo

Anh chụp ảnh khá nhiều về đề tài người lính, cảm giác chụp ảnh trong đất liền với ngoài biển đảo có khác nhau không? Nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình cười bảo, chụp ảnh ngoài biển đảo đồng nghĩa với vất vả, cực nhọc hơn nhiều. Ở đất liền có người thân, có tiếng nói nhân dân bên cạnh còn ngoài đảo thì chỉ có tiếng rì rào, gầm rú của biển. Gió biển, sóng biển bình yên, mình nhìn thấy đẹp như câu thơ “Biển bạc đầu thương nhớ” nhưng ra biển rồi mới thấy biển bạc sóng bạc đầu là nỗi lo khủng khiếp. Nhưng nỗi lo trong lòng đó cũng không ăn thua gì với tinh thần và lòng yêu nước của những người lính hải quân. Họ kiên cường và mạnh mẽ hơn cả sóng lừng để bảo vệ biển đảo, bảo vệ thềm lục địa của đất nước, bảo vệ tài nguyên của Tổ quốc.

Hình như luôn có điều gì vô hình nhưng ý nghĩa ở nơi xa xôi ấy, không chỉ là biển, trời và những con tàu... Ấn tượng đọng lại trong anh sau mỗi chuyến đi là những câu chuyện giản đơn mà cảm động. Anh nhớ có lần đang ngồi vui nói chuyện, bất chợt trời đổ mưa, các chiến sĩ lao ra ngoài, leo lên nhà giàn để tăng gia trồng rau, thu hoạch để lo hậu cần cho anh em. Rau với nước mưa ngoài đó là thứ quý giá vô cùng, thậm chí, tô canh chỉ có lõng cõng mấy cọng rau thôi mà anh em chia nhau, nhường từng muỗng nhỏ. Đó là ấn tượng về trách nhiệm của người lính biển đảo, ngoài nhiệm vụ riêng mỗi người còn đảm nhiệm cả công việc một bác sĩ chăm sóc sức khỏe không những cho đồng đội mà cho ngư dân, các thủy thủ của cả nước bạn chẳng may gặp sự cố tàu thuyền…

“Những câu chuyện như thế mình cố gắng truyền tải vào bức ảnh nhưng có lẽ chỉ được một phần. Đằng sau những gì nhìn thấy còn có biết bao cảm xúc, biết bao câu chuyện dài có khi một cuốn sách cũng không nói hết, cả đời cũng không nói hết được”, nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình tâm sự.

Những khoảnh khắc còn mãi - Anh 3

Không nói hết được những khoảnh khắc cảm động về người lính biển đảo nhưng có nhiều điều dẫn dắt các nhà nhiếp ảnh tiếp tục cầm máy, lên những con tàu để truyền tải cuộc sống ngoài biển đảo xa xôi cho mọi người trong đất liền. Anh bảo, bên cạnh niềm tự hào, việc chụp ảnh hôm nay giống như một người chép lịch sử cho ngày mai. Câu chuyện biển, đảo anh muốn gửi đến các bạn trẻ, để các em tự hào về cha ông mình giống như mình tự hào về cha ông của mình lớp trước đã giữ biển, đảo quê hương.

Mỗi hình ảnh được triển lãm đến với đông đảo công chúng giống như một thông điệp gửi lại cho thế hệ sau, như trang lịch sử để nói với thế giới đây là nhà của Việt Nam, là biển của Việt Nam, thêng liêng và trường tồn. “Những chuyến tác nghiệp trên biển có mệt, có vất vả, nhiều lúc đi không nổi, nghĩ đến điều ấy tôi lại vùng dậy cố gắng, thậm chí nhờ một số anh em đỡ đằng sau để chụp bằng được. Tôi tự nhủ phải cố gắng thể hiện tình yêu nhiếp ảnh, tình yêu quê hương qua ống kính để có những tác phẩm thật tốt, sinh động về những người lính đứng đầu sóng ngọn gió, giữ từng tấc biển vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

Những hình ảnh tôi chụp hôm nay vinh dự được triển lãm, giống như một thông điệp gửi lại cho thế hệ sau, như một trang sử để nói với thế giới đây là nhà của Việt Nam, là biển của Việt Nam, thiêng liêng và trường tồn.

(Nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình)

 

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc