Khẳng định chủ quyền và an ninh biển của Việt Nam trên mặt trận tri thức
VHO - Sau hội thảo lần đầu tiên diễn ra năm 2021, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiếp tục tổ chức Hội thảo “Biển, đảo Việt Nam: Quá trình khai thác và tiềm năng phát triển” vào cuối tháng 4 vừa qua. Diễn đàn khoa học lần này tập trung sâu hơn vào quá trình lịch sử khai thác biển đảo, đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Hội thảo đã công bố thêm nhiều nghiên cứu các góc nhìn khác nhau về biển, đảo Việt Nam
Thách thức đối với chủ quyền trên biển Đông
Khẳng định giá trị của biển, đảo Việt Nam, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, biển và hải đảo Việt Nam là không gian sinh tồn và phát triển của cộng đồng người Việt Nam, là cánh cửa mở ra với thế giới của quốc gia dân tộc, là nguồn lực hết sức to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam trong suốt tiền trình lịch sử… “Nếu giữ được biển Đông thì Việt Nam muôn thuở ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Nếu để mất biển Đông, Việt Nam sẽ mất tất cả. Đấy là bài học xương máu được đúc rút từ lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là vốn liếng, là hành trang vô giá để các thế hệ sau tiếp nối sự nghiệp của tổ tông, đưa trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo giữ biển Đông lên một trình độ mới và cũng là cơ sở để Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng Chiến lược biển và Luật biển Việt Nam”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói. Ông cũng đưa ra dẫn chứng về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bậc hiền triết thông kim bác cổ, một đại kiệt xuất nhất của trí tuệ Việt Nam thế kỷ XVI, hơn ai hết đã hiểu được nguồn năng lực dồi dào từ biển Đông mang lại và cái căn cốt sức sống đất nước phải cậy nhờ ở biển cả, đã nếu thành minh triết, thành nguyên tắc sinh tồn Việt Nam: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Tiếp nối truyền thống, đến thế kỷ XVII - XVIII các chúa Nguyễn và tiếp đó là vương triều Nguyễn đã lập được nhiều kỳ tích trong các chiến lược khai thác, khẳng định chủ quyền. Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trong lịch sử Việt Nam, quá trình lãnh thổ luôn gắn liền với tiến trình xác lập, thực thi chủ quyền trên các không gian biển đảo. Châu thổ Cửu Long là địa bàn chiến lược bảo đảm an ninh lương thực của đất nước. Biển Tây Nam, đặc biệt là vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc, chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên, nhân tạo tạo đà cho việc thực hiện Chiến lược kinh tế biển xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Và vùng biển này có nhiều điều kiện để trở thành trung tâm du lịch quốc tế; đầu mối giao thương liên Á; trung tâm xuất khẩu hàng hóa và là vùng kinh tế biển trong điểm của cả nước”.
Nhiều cứ liệu lịch sử về biển, đảo Việt Nam tiếp tục được công bố tại hội thảo; ảnh: Trưng bày tư liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, tại Cà Mau
Tuy nhiên, một mối lo vẫn luôn hiện hữu đã tạo nên những thách thức đối với chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Khi thời gian qua, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn ra gay gắt, quyết liệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, đe dọa trực tiếp đến nền hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia trên biển và từ hướng biển. Trước thách thức trên, GS Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ quan ngại: “Chiến lược Một vành đai, một con đường của Trung Quốc có khả năng kéo cả Việt Nam và Đông Nam Á vào guồng phát triển chung của khu vực và thế giới. Việt Nam vì thế cũng nên xem đây là một cơ hội cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trên nguyên tắc phải giữ cho bằng được hòa bình, an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là bài toán vô cùng khó, nhưng không thể không tìm ra lời giải thỏa đáng, vì chỉ cần một tính toán không chuẩn xác là có thể sẽ mất hết tất cả”.
Điều cần cho một tương lai gần
Phải khẳng định rằng, hệ thống đảo và quần đảo của nước ta có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, biển, đảo nước ta còn là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, từ xa đến gần, tạo những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ. Lịch sử đã cho thấy trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược nước ta có tới 10 cuộc chiến tranh kẻ thù đều tiến công từ hướng biển.
Các đại biểu đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biển tại Việt Nam
Tại hội thảo, PGS.TS Hà Minh Hồng, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, với vị trí địa chiến lược đặc biệt, Trường Sa cần được xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, đây cũng là tầm nhìn mới trong chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các huyện đảo. Cụ thể, cần phải đầu tư phát triển hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời; giải quyết căn bản vấn đề nước ngọt cho đời sống và sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho đánh bắt xa bờ; phối hợp đầu tư để làm du lịch; xây dựng cầu tàu, âu tào ở các đảo. Chuyên gia nhấn mạnh: “Quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhận định về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biển tại Việt Nam. Theo đó, hoạt động du lịch tại các vùng ven biển giúp bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản, giữ vững môi trường sinh thái, hạn chế hiện tượng xâm nhập mặn. Nghiên cứu của Đỗ Thị Ngân Thanh, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và cộng sự chỉ ra rằng: “Hoạt động du lịch biển còn tạo ra được tuyến phòng ngự tự nhiên rất có giá trị về mặt quốc phòng, an ninh; hình thành hệ thống phân luồng giao thông thủy quan trọng, là “tuyến phòng ngự từ xa” bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Trước tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông đòi hỏi các hoạt động du lịch biển Việt Nam cần thực sự đi vào chiều sâu nhằm khẳng định thương hiệu, đồng thời cũng chính là khẳng định chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo có hoạt động du lịch”.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM xem triển lãm về biển, đảo Việt Nam
GS.TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXHNV cho rằng các nghiên cứu công bố trong hội thảo lần này có nội dung khá đa dạng và có những đóng góp có khoa học ý nghĩa trên 6 góc độ nghiên cứu khác nhau, bao gồm: Tiếp cận lịch sử, kinh tế, địa chính trị, khoa học môi trường, văn hóa và tiếp cận nhân học. “Đặc biệt ở hội thảo lần này, có khá nhiều bài nghiên cứu cùng tập trung vào khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với các tiếp cận sinh thái, môi trường, du lịch, sinh kế hộ gia đình. Qua đó cung cấp những thông tin khoa học cũng như những kiến giải có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về một vùng đất quan trọng của TP.HCM”, GS Sen nhận định và cho biết, hội thảo quy tụ 61 bài viết từ nhiều đơn vị nghiên cứu khác nhau trong cả nước, trong đó có 24 bài chuyển ngữ sang tiếng Anh và gửi nhà xuất bản quốc tế index Scopus. Định hướng xuất bản quốc tế được nhà trường tập trung hỗ trợ và đẩy mạnh như là một nỗ lực đưa tiếng nói của các nhà khoa học Việt Nam ra diễn đàn khoa học quốc tế. Đây cũng là cách hiệu quả để khẳng định chủ quyền và an ninh biển của Việt Nam trên mặt trận tri thức.
H.HẠNH - T.TRANG