Hiên ngang những cột mốc chủ quyền
VHO- Đứng trước Di tích lịch sử quốc gia là Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi đều trào dâng niềm tự hào khôn tả.
Cột mốc chủ quyền ở đảo Song Tử Tây
Quần đảo Trường Sa vốn chưa bao giờ hết “nóng” trên Biển Đông, luôn luôn là vấn đề mang tính thời sự quốc tế. Quần đảo này được bao quanh bởi những ngư trường có sản lượng thủy sản cao, những rạn san hô rộng lớn và trữ lượng tài nguyên dầu mỏ, khí đốt dồi dào do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích. Hơn nữa, khu vực này cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải cao trên thế giới.
Từ xa xưa, không chỉ dành độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền mà chủ quyền trên Biển Đông cũng đã được cha ông ta đổ bao xương máu để khẳng định, giữ gìn. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa còn được gọi là Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng và Trường Sa còn gọi là Đại Trường Sa (bãi cát dài lớn) hay Vạn Lý Trường Sa (bãi cát dài vạn dặm) là hai bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Đến giờ, hệ thống cây xanh, nhất là các cây di sản trên quần đảo càng minh chứng rõ hơn cho điều ấy. Cả quần đảo Trường Sa hiện có 4 cây di sản đã được công nhận là: cây bàng vuông 8 nhánh (hơn 100 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây mù u (hơn 300 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây phong ba (hơn 100 năm tuổi ở đảo Song Tử Tây) và 1 cây mù u (hơn 100 năm tuổi trên đảo Sơn Ca). Những loài cây này đặc biệt thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng ở quần đảo Trường Sa, quanh năm tươi tốt. Ngoài việc tạo môi trường xanh, che chắn sóng gió, mang lại sức sống cho đảo còn như một cột mốc chủ quyền xanh và để ngư dân khai thác ở ngư trường Trường Sa lấy đó là điểm đánh dấu để trở về.
Hệ thống cây xanh ở đảo Song Tử Tây vô cùng đặc biệt, với rất nhiều gốc cây phong ba cổ thụ, tạo dáng tự nhiên nhưng rất cầu kỳ, hệt như một công viên khổng lồ. Đảo Nam Yết thì được mệnh danh là đảo dừa giữa biển khơi vì ở đây có tới 144 cây dừa và cả đảo phủ kín màu xanh mướt mát của vườn cây tra, cây phong ba, cây bão táp, bàng vuông…
Thời kỳ Pháp thuộc, Pháp chia nước ta thành ba kỳ, gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Kỳ (triều đình phong kiến nhà Nguyễn quản lý), còn quần đảo Trường Sa thuộc Nam Kỳ (do Pháp quản lý). Nhưng thực ra, thực dân Pháp nhân danh Việt Nam đã có những hành động cụ thể thực thi chủ quyền ở quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Pháp đã cho đặt bia chủ quyền và đài khí tượng trên quần đảo này.
Trên quần đảo hiện nay chỉ Song Tử Tây là còn Trạm khí tượng (trực thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ). Song Tử Tây cũng là đảo cấp 1 hoàn thiện về hạ tầng với chùa Song Tử Tây, trường tiểu học xã Song Tử Tây, hải đăng Song Tử Tây, làng chài cho ngư dân khai thác thủy sản trên quần đảo Trường Sa, khu dân cư và âu tàu Song Tử Tây.
Cây di sản - cây mù u trên đảo Nam Yết
Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nhưng tại Điều 1 quy định đường ranh giới tạm thời về quân sự được ấn định ở sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) và Điều 4 đưa ra đường ranh giới tạm thời cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi. Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử trong cả nước, bên nào đảm nhiệm việc hành chính trong khu tập kết bên đó. Vì thế, lúc này quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông tạm thời chịu sự quản lý hành chính của chính quyền phía miền Nam, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 22.8.1956, Phái bộ Quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát và cùng với việc kéo cờ là đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết còn tồn tại bia chủ quyền được xây dựng từ năm 1956 và đó cũng là hai bia cũ nhất còn được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa hiện nay.
Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 11o25’55’’ bắc và kinh độ 114o18’00’’ đông. Bia chủ quyền đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 100o10’45’’ bắc và kinh độ 114o22’00’’ đông. Các chữ trên thân các bia được khắc lõm chìm vào trong, có nội dung được ghi: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.
Nằm trong không gian rợp một màu xanh của những cây phong ba, bàng vuông cổ thụ, bia chủ quyền (cũ) trên đảo Song Tử Tây là một trong những vị trí trọng yếu, được coi là linh hồn của đảo, trên tuyến đường từ cầu cảng vào trung tâm đảo. Năm 2011, khuôn viên di tích đã được xây hệ thống hàng rào bằng gạch, vôi vữa cao 80cm bao quanh bia với diện tích 16m2.
Bia chủ quyền ở đảo Nam Yết nằm trong khuôn viên chùa Nam Huyên đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m. So với nhiều công trình khác trên đảo, kiến trúc, vị trí của di tích không nổi bật nhưng từ những vết nứt, mỗi nét chữ khắc sâu trên bia đều khiến mỗi người khi tới đây trào dâng một niềm tự hào khôn tả.
Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, ngày 13.6.2014 Bộ VHTTDL đã ra quyết định số 1825/ QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là Di tích lịch sử quốc gia.
Cùng với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa là cột mốc tiền tiêu trên Biển Đông của Tổ quốc ta. Và chỉ cần nhìn những cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa chăm chút, bảo vệ, canh gác những cột mốc chủ quyền xanh, cột mốc chủ quyền cũ và mới với niềm tự hào hiện rõ trên nét mặt, lòng mỗi người dân Việt Nam lại dâng lên niềm tin yêu, thương nhớ và khâm phục.
LẠI THÚY HÀ