Xem xét đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản
VHO - Đề xuất này rất đáng tiếp thu và nghiên cứu. Tuy nhiên, ngoài chính sách liên quan đến thuế bất động sản, cần đồng bộ các chính sách về đất đai, quy hoạch...
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính sáng nay 27.9, liên quan vấn đề nghiên cứu đánh thuế trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà, đất ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng "phi mã" thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Đề xuất này rất đáng tiếp thu và nghiên cứu. Bởi cần suy nghĩ theo một cách tổng thể và toàn diện để xây dựng được một thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngoài chính sách liên quan đến thuế bất động sản, cần đồng bộ các chính sách về đất đai, quy hoạch...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về đất đai, về thị trường bất động sản, qua đó góp phần phát triển thị trường minh bạch, ổn định, bền vững. Các chính sách khi ban hành cần phải xem xét toàn diện, tránh tình trạng đạt được mục tiêu này nhưng ảnh hưởng đến mục tiêu khác.
Trước đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Cơ quan này cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Chính phủ xin ý kiến dự thảo về giảm thuế nhà đất năm 2024, trong đó đưa ra 2 phương án giảm tiền thuê đất: 15% và 30%.
Lúc đầu, Bộ Tài chính xin chủ trương dự kiến giảm 15%, tương ứng mức giảm trong năm 2020, khi đại dịch Covid hoành hành.
Tuy nhiên, vừa qua, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của bão số 3, Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi mức giảm so với dự kiến ban đầu, từ 15% lên 30%, tương ứng mức giảm của các năm 2021, 2022, 2023.
Bộ Tài chính sẽ tập hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án cho phù hợp bối cảnh hiện nay.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến tháng 10 sẽ thông qua.
Chính phủ đang trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, ban hành mức phù hợp khi xác định ngưỡng không chịu thuế.
Hiện nếu hộ gia đình có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không chịu thuế GTGT.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách dự kiến 2 phương án nâng ngưỡng không chịu thuế GTGT lên mức dưới 200 triệu đồng/năm hoặc dưới 300 triệu đồng/năm.
Theo ông Minh, trách nhiệm của cơ quan thuế là đưa ra đánh giá tác động cụ thể, đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa thuế GTGT với thuế thu nhập cá nhân, giữa đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương.