Sáng tác dành cho thiếu nhi: Nối dài thêm những “Cánh én tuổi thơ”
VHO- Nói tới những sáng tác dành cho thiếu nhi là nói tới “điệp khúc” muôn thuở, thừa nhưng vẫn thiếu. Đã có biết bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa ra đời, được phổ biến rộng khắp và gắn bó với nhiều thế hệ măng non, nhưng đến thời điểm này, có thể nói là thực sự thưa vắng những tác phẩm mới, đặc sắc.
Quan tâm tới thiếu nhi chính là thể hiện trách nhiệm và gửi gắm niềm tin vào thế hệ tương lai của đất nước Ảnh: ITN
Với sự vào cuộc của các tổ chức hội nghề nghiệp, nghệ sĩ sáng tạo, công chúng kỳ vọng sẽ có những tác phẩm mới phù hợp với trẻ thơ thế kỷ XXI, đồng thời, nối dài đời sống của những tác phẩm âm nhạc có giá trị.
Gửi gắm niềm tin vào thế hệ tương lai của đất nước
Trước năm 2000, âm nhạc thiếu nhi phát triển mạnh cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Đặc biệt, những năm đầu thế kỷ XXI, âm nhạc được coi là môn học chính thức trong các trường phổ thông, các cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhiều cuộc liên hoan tạo sân chơi cho trẻ em ra đời như: Tuổi thần tiên, Giai điệu sơn ca, Búp sen hồng, Giai điệu tuổi hồng... Nhưng đến nay, những bài hát từng nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ măng non đã trở nên xa lạ với trẻ thơ của thời đại mới. Hơn 60 năm gắn bó với âm nhạc cho trẻ em, nhạc sĩ Hoàng Lân cho rằng, mặc dù có đối tượng đông đảo song âm nhạc thiếu nhi hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Một số nhạc sĩ vẫn quan tâm theo đuổi mảng đề tài này, nhưng phần lớn sáng tác ít được phổ biến, quảng bá để bước vào đời sống và được công chúng đón nhận. Trong khi đó, trẻ em rất khó tìm được ca khúc phù hợp với lứa tuổi của mình.
Trước thực tế này, trại sáng tác Âm nhạc 2021 với chủ đề Sáng tác ca khúc thiếu nhi vừa được tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức với sự tham gia của 37 hội viên thuộc 13 chi hội: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hưng Yên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 77 tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện tại trại sáng tác cho thấy bình quân mỗi nhạc sĩ đã hoàn thành 2 tác phẩm, cá biệt có nhạc sĩ hoàn thành tới 9 tác phẩm - đây là con số rất ý nghĩa thể hiện sự quan tâm tới đề tài thiếu nhi cũng như thể hiện tình yêu, trách nhiệm và sự gửi gắm niềm tin của giới nhạc sĩ hiện tại vào thế hệ tương lai của đất nước.
Trại sáng tác lần này là một nét hoạt động rất đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ mới. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội cho biết, với tình yêu và trách nhiệm dành cho tuổi thơ, các tác phẩm của trại đã tập trung và “trúng” đề tài, đồng thời cũng toát lên sự giản dị, hồn nhiên dưới lăng kính của thiếu nhi. Hội dự định sẽ tuyển chọn 80 ca khúc chất lượng để sớm ra mắt công chúng như là món quà thiết thực của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho các bạn nhỏ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng thông tin hêm, Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Sắp tới Hội dự kiến khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, đồng thời phát động giải thưởng cũng như tổ chức các cuộc thi, liên hoan âm nhạc dành cho thiếu nhi...
Tiếp cận với thế hệ trẻ theo phong cách mới
Bên cạnh hoạt động của hội nghề nghiệp, một số tổ chức, cá nhân cũng đã có các hoạt động nhằm phát triển âm nhạc cho trẻ thơ. Mới đây, ca sĩ Nguyệt Ca đã khởi xướng dự án cộng đồng Nhạc thiếu nhi song ngữ (Bilingual Songs for Kids) để mang đến cách tiếp cận và cảm nhận mới cho nhiều đối tượng khán giả, nhất là các em thiếu nhi. Hiện tại, dự án đã có một số ca khúc được dịch xong và lần lượt thu âm, phát hành: Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Cho con (Phạm Trọng Cầu) và Chỉ có một trên đời (Trương Quang Lục). “Nhiều bạn nhỏ hiện nay thuộc lòng những bài hát người lớn hoặc chỉ thích nghe nhạc nước ngoài, cũng một phần bởi âm nhạc thiếu nhi Việt Nam ít ca khúc mới đặc sắc. Bù lại, chúng ta đã có những ca khúc hay, được nhiều thế hệ trẻ yêu thích. Nhóm dự án muốn đưa những ca khúc đó trở lại tiếp cận với thế hệ trẻ hiện nay theo phong cách mới”, nghệ sĩ Nguyệt Ca chia sẻ.
Vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã giới thiệu dự án thẻ nhạc 300 bài hát thiếu nhi dành riêng cho các em nhỏ. Bên cạnh hình ảnh minh họa đáng yêu, điểm độc đáo của bộ sưu tập nằm ở khả năng tích hợp công nghệ AR (thực tế tăng cường). Khi đưa camera điện thoại thông minh vào sản phẩm, thẻ nhạc sẽ có hiệu ứng chuyển động và âm nhạc kèm theo để bé tập hát, khơi dậy tình yêu âm nhạc ở trẻ em. Trước đó, anh cũng đã hoàn thành bộ sách 5 tập, in trọn các sáng tác cho thiếu nhi của mình để tặng các trường học, trung tâm văn hóa thiếu nhi...
Những hoạt động như vậy đã và đang góp phần làm phong phú, sôi động thêm nền âm nhạc thiếu nhi đương đại, tạo hoạt động giải trí lành mạnh, đồng thời tác động mạnh mẽ tới tình cảm, nhận thức, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
HÀ MINH