Sản phẩm âm nhạc mới bị tố đạo, nhái: Học hỏi hay vô tình... trùng ý tưởng

VHO- Liên tiếp cho ra đời những sản phẩm âm nhạc mới nhưng nhanh chóng bị phát hiện là đạo nhái, làng giải trí Việt không ít lần khiến dư luận phiền lòng bởi sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng đối với nghề của không ít người được gọi hay tự “phong” là nghệ sĩ.

Sản phẩm âm nhạc mới bị tố đạo, nhái: Học hỏi hay vô tình... trùng ý tưởng - Anh 1

 MV “Cánh bướm dối gian” được ví như nồi lẩu thập cẩm của âm nhạc “đạo nhái”

 Thị trường nhạc trẻ hiện nay xuất hiện đầy rẫy những ca khúc đạo nhái do tác giả đi “vay mượn” âm hưởng, giai điệu của bài hát nước ngoài để tô vẽ cho đứa con tinh thần của mình. Mặc dù đã từng bị chỉ mặt, điểm tên nhưng nhiều người vẫn thản nhiên “sao y bản chính” một cách lộ liễu, bất chấp dư luận…

Ranh giới mong manh

Cái tên đang “hot” với nghi án đạo nhạc thời gian gần đây là ca sĩ “đình đám” Sơn Tùng M-TP. Hầu như các ca khúc “hit” của Sơn Tùng, từ Cơn mưa ngang qua, Đừng về trễ, Em của ngày hôm qua, tới Nắng ấm xa dần, Chắc ai đó sẽ về... đều bị tố đạo nhạc. Và gần đây nhất, Chúng ta của hiện tại đã trở thành tâm điểm khi biến mất khỏi YouTube với nghi vấn vi phạm bản quyền. Cụ thể, MV này bị một tài khoản người Việt báo cáo kênh YouTube của GC (GC tên thật là Gary, nhà sản xuất âm nhạc chuyên sản xuất beat online, sống ở Anh), cho rằng beat (nhạc đệm) của ca khúc giống beat Is your mine của Bruno Mars. Phía ê kíp Sơn Tùng đã phải thừa nhận… tham khảo phần beat. Trước phản ứng quá khích của không ít “fan” Sơn Tùng, GC phản hồi rằng đã nghe ca khúc và nhận định nốt, cách sắp xếp, phối khí, giai điệu điệp khúc quá giống nhau nên không thể gọi là tham khảo được. Không những vậy, từ nhiều phản hồi trên YouTube, nhiều người cho rằng giai điệu ca khúc không chỉ tương đồng với beat Is your mine mà còn với R&B All Night (KnowKnow). Từ câu chuyện này, có thể thấy ranh giới giữa sáng tạo và tham khảo, vay mượn trong âm nhạc là khá mong manh.

Không chỉ dừng ở việc “chôm” một ít lời ca hay giai điệu của một ca khúc có sẵn, giờ đây đến cả bản phối, hình ảnh, trang phục, phong cách biểu diễn, vũ đạo… cũng được nhái “tuốt tuồn tuột”. Nổi cộm trong thời gian gần đây phải nói đến hai “thảm họa” Cắm sừng ai đừng cắm sừng em và Cánh bướm dối gian của Phí Phương Anh. Cư dân mạng đã tìm được quá nhiều điểm “vay mượn” từ giai điệu cho đến vũ đạo. Đầu tiên là từ Cpop, một đoạn trong ca khúc của Phí Phương Anh cực kỳ giống với ca khúc Đừng ai sống keo kiệt của nhóm nhạc R1SE (Trung Quốc). Kế tiếp là giai điệu rất quen của siêu hit BBoom BBoom từng tạo nên tên tuổi của nhóm nhạc Hàn Quốc Momoland. Phần outro của ca khúc How you like that như bê y nguyên vào Cánh bướm dối gian. Chưa hết, phân đoạn “đắt giá” nhất trong ca khúc Okey Dokey của Zico, được xem là đặc điểm nhận dạng của ca khúc này cũng “chễm chệ” trong ca khúc của cô nàng. Bài hát còn bị tố đạo loạt hit đình đám nhất sự nghiệp của các nhóm Kpop như: Roly Poly (T-ara), Face (NU’EST)... biến ca khúc thành “nồi lẩu thập cẩm” khiến dân tình lắc đầu ngao ngán. Về vũ đạo, MV Cánh bướm dối gian bị soi đạo nhái vũ đạo trong bài Candy Pop của TWICE, ICY của ITZY và cả vũ đạo trong bài Đoá hoa hồng của Chi Pu. Có thể thấy, độ “vay mượn” và “chắp vá” của Phí Phương Anh đã đạt trình độ “thượng thừa” khi mà xuyên suốt MV dài gần 4 phút nhưng chỉ toàn là đạo, nhái của người khác. Đây có thể coi là một thảm họa âm nhạc của thế hệ mới.

Cốt là ở cái tâm của người làm nghề

Trước nhiều dẫn chứng cụ thể của cư dân mạng, nhưng có nghệ sĩ lại không chịu thừa nhận mình đã đạo, nhái hoặc bẻ lái sang hướng là lấy ý tưởng để re-make (thực hiện lại) và trong nghệ thuật thì điều này là… hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, trong âm nhạc, ảnh hưởng và sao chép là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ở bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa như hiện nay, việc chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong sáng tạo nghệ thuật là khó tránh khỏi. Và sự học hỏi, tham khảo từ những tác phẩm có sẵn chính là những gợi ý, khơi mở cho một suy nghĩ, ý tưởng mới của người nghệ sĩ, khác hoàn toàn với việc “bê nguyên xi” hay “vay mượn” theo kiểu bắt chước, ăn sẵn. Dường như sự “vay mượn” âm nhạc nước ngoài đã nhiều đến nỗi, người nghe nhạc Việt giờ đây chẳng còn lạ hay muốn phản ứng trước những hiện tượng trên. Bởi vậy, thói quen chôm chỉa càng có cơ hội trở thành trào lưu sáng tác của một số người, làm xấu đi những sáng tạo đích thực âm nhạc Việt, kéo theo đó là lối hưởng thụ dễ dãi của một bộ phận công chúng chưa được định hướng đúng về thẩm mỹ âm nhạc.

Với làng giải trí Việt, điều khiến người làm nghề phát triển, có bước tiến dài, có lẽ chính là sự nhận thức tốt, lòng tự trọng với chính nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Không phải tất cả mọi sản phẩm làm ra đều “ăn may”, khi mà không ít tác phẩm khiến khán giả tự hào bởi nhìn thấy được sự đầu tư nghiêm túc và mang cá tính riêng của mỗi nghệ sĩ, qua đó thể hiện niềm đam mê, khát vọng chinh phục khán giả bằng những sản phẩm “không giống ai” và hoàn toàn riêng biệt… Âm nhạc là một lĩnh vực khá trừu tượng, không có chuẩn mực nào để có thể dựa vào đó mà phán xét nên suy cho cùng vẫn là do đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Để làm trong sạch môi trường âm nhạc nước nhà, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn và xử lý dứt khoát, quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, âm nhạc Việt Nam cũng rất cần một cộng đồng nghe nhạc văn minh, thẳng thắn lên án hành vi đạo nhạc và mạnh mẽ tẩy chay những tác giả, tác phẩm đạo nhái. 

BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc