Đừng biến “rap” thành “rác”

VHO- Sau khi lên sóng, tập 2 của chương trình Rap Việt mùa 3 đã trở thành tâm điểm thảo luận trên các diễn đàn xã hội. Bởi, nhà sản xuất đã để lọt đoạn rap với câu từ nhạy cảm, không phù hợp của thí sinh Dubbie (Lê Hữu Khương), điều này đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ khán giả theo dõi chương trình.

Đừng biến “rap” thành “rác” - Anh 1

 Rapper 16 tui CADMIUM (áo dài) cháy trên sân khu Rap Vit mùa 3 và dành phn trăm bình chn tuyt đi tập 1

Cụ thể, trong phần thi của mình, thí sinh Dubbie đã trình diễn bản rap Đóng băng trên nền nhạc gốc Mình cùng nhau đóng băng của Tiên Cookie. Đáng nói, lời của bản rap có những từ nhạy cảm như: “Trời vừa sập tối anh xả vai, đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ”, hay “Các em lại phát thêm rồ, phải ngoan thì mới được phát thêm đồ”… Chữ “đồ” trong tiếng lóng của giới trẻ hiện nay, có thể hiểu là chất kích thích chứ không phải chỉ đồ đạc hay trang phục.

Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó khi trong một câu rap của nam rapper thể hiện sự thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng lãnh tụ, danh nhân. Ngay sau khi lên sóng và bị khán giả “la ó”, video tập 2 Rap Việt đăng tải trên YouTube đã cắt đi phần từ ngữ được cho là nhạy cảm, sai lệch.

Điều khiến công chúng khó hiểu là trước đó, BTC Rap Việt đã lưu ý thí sinh không sử dụng từ ngữ dung tục, nội dung 18+, đại từ xưng hô thiếu tôn trọng nhau trong phần thi, nhưng tại sao câu từ nhạy cảm của thí sinh Dubbie lại dễ dàng lên sóng đến thế?! Trên mạng xã hội, một số khán giả cho rằng, khâu kiểm duyệt, biên tập của ê kíp quá ẩu, dẫn đến việc bỏ lọt lỗi nghiêm trọng trong phần thi của thí sinh. Cùng với đó, không ít khán giả nhận định, chính việc thí sinh thiếu hiểu biết về văn hóa - lịch sử nước nhà đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng…

Việc những tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa các yếu tố văn hóa - lịch sử, giá trị truyền thống với hình thức thể hiện mới mẻ, hợp thời như Nam quốc sơn hà; Bánh trôi nước từ bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương; Để Mị nói cho mà nghe lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ… từng được nhiều khán giả trẻ quan tâm, yêu thích, tạo được tiếng vang lớn. Qua đó thấy được, sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những làm cho tác phẩm trở nên ấn tượng hơn, mà còn là cơ hội hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt. Như ở cuối tập 1 Rap Việt mùa 3, màn trình diễn của thí sinh CADMIUM đến từ Hải Phòng đã khiến cả trường quay phải vỡ òa theo từng câu rap. Với xuất phát điểm là người yêu lịch sử và đang theo học chuyên Sử, CADMIUM đã mang đến chương trình bài dự thi đầy hào khí dân tộc. Nói về lý do lựa chọn đề tài này, nữ sinh Hải Phòng chia sẻ: “Những điều em chuyển tải trong bài nhạc đã giảm nhẹ sự bác học trong môn Lịch sử. Mọi người vẫn thấy Sử là môn khó học, khó ngấm trên trường và để hỏi ai có muốn học Sử thì em nghĩ rất ít. Đến đây với tinh thần của một người yêu lịch sử dân tộc, em muốn tự hào về môn chuyên của em trước; kế đó, em muốn tri ân tinh thần quật cường của cha ông ta và kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng đất nước”.

Có thể thấy, sau thành công của Rap Việt King of Rap mùa đầu tiên, công chúng đã dành cho thể loại âm nhạc đường phố một cái nhìn mới, thiện cảm hơn. Thế nhưng, thời gian gần đây, hàng loạt các bài rap bị tẩy chay, bị gọi là “rap bẩn”, “rap rác”… khi chế thơ văn học, xuyên tạc lịch sử. Rõ ràng, thị trường nhạc Việt có những chuẩn mực riêng nên không thể cổ xúy cho những sản phẩm thiếu lành mạnh, nhất là những bản rap mang nội dung đồi trụy, phản văn hóa, xuyên tạc lịch sử.

Qua đó cũng thấy được, dù trong cùng một chương trình nhưng nếu kết hợp không khéo, sản phẩm sẽ trở nên kệch cỡm, phản cảm, dị hợm và tạo hiệu ứng ngược. Muốn mang đến một tác phẩm hay, người sáng tạo phải có những am hiểu sâu sắc về vấn đề đặt ra, để khi kết hợp thì truyền thống hay hiện đại đều được nổi bật và nâng đỡ nhau. Bên cạnh đó, việc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn cũng là điều vô cùng cần thiết. Với sự hiểu biết chuyên sâu ở các lĩnh vực văn hóa - xã hội, các chuyên gia sẽ giúp tác phẩm không bị bước qua lằn ranh giữa sáng tạo và phản cảm, từ đó giúp gia tăng giá trị cho nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nước nhà nói chung.

Rõ ràng, rap đẹp hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ và phông văn hóa của từng rapper. Và để tồn tại, phát triển trong một thị trường âm nhạc đa sắc màu hiện nay, các rapper Việt cần phải nhìn nhận đúng hướng thay vì khư khư phát triển cái tôi cá nhân của mình mà quên đi “hồn cốt” của dân tộc. Chính vì thế, việc thổi âm hưởng Việt, tâm hồn Việt vào rap là một hướng đi mới, hợp thời nhưng cũng phải biết cách để kết hợp làm sao cho khéo để hiện đại và truyền thống cùng nhau nâng bước và tỏa sáng. 

 

Rap đẹp hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ và phông văn hóa của từng rapper. Để tồn tại, phát triển trong một thị trường âm nhạc đa sắc màu hiện nay, các rapper Việt cần phải nhìn nhận đúng hướng thay vì khư khư phát triển cái tôi cá nhân của mình mà quên đi “hồn cốt” của dân tộc. Chính vì thế, việc thổi âm hưởng Việt, tâm hồn Việt vào rap là một hướng đi mới, hợp thời nhưng cũng phải biết cách để kết hợp làm sao cho khéo để hiện đại và truyền thống cùng nhau nâng bước tỏa sáng, nếu không, sản phẩm sẽ trở nên kệch cỡm, phản cảm, dị hợm và tạo hiệu ứng ngược.

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc