Du hành để sáng tạo và thấu hiểu
VHO- Cộng đồng và nghệ sĩ cùng nhau tạo nên tác phẩm nghệ thuật hoặc khuyến khích, giúp đỡ người dân đưa tác phẩm của họ tới công chúng, kể câu chuyện của một nhóm nhỏ trong xã hội…, là những dự án nghệ thuật cộng đồng đang có xu hướng phát triển thời gian gần đây.
Chương trình “Bản hòa ca đa sắc”, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Ảnh: ISEE
Các hoạt động ý nghĩa đó đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, nghệ sĩ và trở thành nơi gắn kết, tăng cường sự thấu hiểu giữa người với người trong những chuyến du hành sáng tạo.
Thể hiện tiếng nói qua nghệ thuật
“Bản hòa ca đa sắc” (diễn ra tháng 6 vừa qua) do các thành viên nhóm Tiên Phong và cộng đồng các dân tộc thực hiện là một trong những sự kiện thường niên “Tôi tin tôi có thể” vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, đã mở ra một không gian để đồng bào tự kể câu chuyện của mình qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Những nghệ sĩ đặc biệt này đã có diễn đàn để giới thiệu và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc. Tại các buổi biểu diễn, đồng bào Mông, Tày, Lô Lô, Chăm, Raglai... cất lên những lời ca họ vẫn hát khi đi làm nương, khi cúng lúa mới, trong đám cưới và những cuộc vui, tế lễ... đã thu hút hàng nghìn người dân đứng thưởng thức chật kín vòng trong vòng ngoài. Đồng thời, số lượng người xem trực tuyến cũng liên tục tăng cao từ 12 đầu cầu ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ khuyến khích cộng đồng tự thể hiện tiếng nói thông qua nghệ thuật, những năm gần đây, những hoạt động văn hóa cộng đồng cũng đã được quan tâm và phát triển tại Việt Nam, như dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với 16 tác phẩm được sáng tạo bởi các nghệ sĩ đến từ Tây Ban Nha, Australia và Việt Nam. Mong muốn cải tạo không gian nơi này, qua trò chuyện với người dân, các nghệ sĩ đã có những ý tưởng độc đáo. Với nghệ sĩ Lê Đăng Ninh, chính thực tế cuộc sống lam lũ ở đây là nguồn cảm hứng để anh tạo nên “Nhà nổi” - tác phẩm lấy ý tưởng từ những ngôi nhà đặc biệt trên bãi sông Hồng, được làm từ những vật liệu bỏ đi như thùng phi, hộp xốp... Không chỉ tạo nguồn cảm hứng, người dân còn trở thành những “đồng tác giả” với nghệ sĩ thông qua việc giúp đỡ nghệ sĩ thu gom vật liệu tái chế, góp ý cho tác giả và gìn giữ, bảo vệ tác phẩm…
Những dự án như vậy không chỉ gắn kết cộng đồng trong một vấn đề chung, mà còn thể hiện được câu chuyện của những nhóm nhỏ trong xã hội, điều thường ít khi được thấy trong nghệ thuật.
“Chất xúc tác” cho sự gắn kết
Nghệ thuật có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, ảnh hưởng đến tâm hồn, cảm xúc và hình thành các giá trị đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của con người. Với ngôn ngữ phổ quát, nghệ thuật giúp mọi người, bất bất chấp tuổi tác, nghề nghiệp, quốc tịch, thấu hiểu những gì được nói qua các tác phẩm…
Dự án “Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam”, 2018- 2021, được phỏng theo khóa tập huấn về Nghệ thuật dành cho mọi người, do Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Brighton (Vương quốc Anh) Alice Fox biên soạn và hướng dẫn, được đặc biệt thiết kế dành riêng cho các sinh viên ngành văn hóa - nghệ thuật, nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo trên cả nước, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho các không gian văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam bao gồm lập kế hoạch, thực hiện các dự án và hoạt động nghệ thuật; tiếp cận và làm việc với các nhóm cộng đồng đa dạng cũng như những người có ít cơ hội tiếp cận các hoạt động văn hóa và nghệ thuật.
“Nghệ thuật dành cho mọi người có thể được định nghĩa là việc hỗ trợ những cơ hội sáng tạo giữa nghệ sỹ và những người không có nhiều điều kiện tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa, như các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người già, LGBTQ, bệnh nhân và trẻ em. Họ làm việc cùng nhau để tạo ra những chương trình và sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, đồng thời thách thức những quan điểm về việc phân định ai có thể làm nghệ sỹ chân chính… Điều quan trọng trong dự án nghệ thuật cho mọi người là sự tôn trọng giữa những người làm việc cùng nhau và tạo cơ hội cho họ gặp gỡ, giao lưu với nhiều thành viên mới”, bà Alice Fox chia sẻ.
Ở đó, khán giả không còn là người thụ động tiếp nhận, theo nghệ sĩ Nguyễn Bích Trà, người thực hiện dự án sân khấu kịch “The Run - A Theater Project”, “tham gia vào một sản phẩm nghệ thuật cộng đồng, nghệ sĩ cũng là khán giả và khán giả cũng là nghệ sĩ. Tất cả cùng chung tay để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hữu ích”.
Các dự án nghệ thuật không chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, mà còn khơi gợi niềm đam mê cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và nghệ sỹ. Nhiều năm tổ chức dự án giảng dạy mỹ thuật từ thiện “Ngôi sao miền núi”, thu hút nhiều nghệ sĩ đi tới vùng sâu, vùng xa, mang lại nhận thức về thẩm mỹ cũng như giá trị của môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa cho các em nhỏ, nghệ sĩ Quách Ngạn Vỹ cho biết: “Trẻ con, qua chương trình có thể tiếp cận với mỹ thuật, nhưng đồng thời, các nghệ sĩ tham gia chuyến đi cũng tìm thấy cảm hứng chính từ văn hóa bản địa. Sau các chuyến đi, tác phẩm của nghệ sĩ có sự khác biệt vì được truyền cảm hứng từ văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số”…
Với những giá trị mang lại cho tất cả mọi người, nghệ thuật dành cho mọi người, nghệ thuật cộng đồng chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
THÀNH MINH