Đêm nhạc Mozart và Beethoven tại TP.HCM
VHO - Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM (HBSO) sẽ tổ chức đêm nhạc Mozart và Beethoven vào ngày 9.4 tại Nhà hát Thành phố. Đêm hòa nhạc được chỉ huy bởi nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch.
Buổi hòa nhạc bắt đầu với khúc overture của vở opera Don Giovanni của Mozart. Don Giovanni là một vở kịch phần nào đó có màu sắc bi kịch – với việc Don là một kẻ chuyên dụ dỗ phụ nữ, người đã giết cha đẻ của đối tượng chinh phục mới nhất của mình trong năm phút đầu tiên và bị kéo xuống địa ngục vào cuối vở kịch - và phần nào đó mang tính hài kịch. Phần hài hước xoay quanh nhân vật người hầu của Don, là Leporello. Khúc overture đã lột tả tuyệt vời cả hai khía cạnh này của cốt truyện.
Âm nhạc ở đây cũng được sử dụng phân biệt hai tính chất nam và nữ, với yếu tố nam thể hiện trong dàn dây và yếu tố nữ thể hiện trong bè kèn gỗ. Khúc overture này dẫn thẳng đến cảnh đầu tiên, trong đó Giovanni đấu tay đôi với cha của Donna Anna và giết ông ta.
Tiếp theo là tác phẩm rất nổi tiếng Sinfonia Concertante của Mozart. Đây là bản concerto dành cho hai nghệ sĩ độc tấu, một nghệ sĩ violin và một nghệ sĩ chơi viola. Mozart đã tự thử thách trong ý tưởng về âm nhạc kết hợp thể loại giao hưởng và thể loại concerto, và đây là chính là kết quả khẳng định tài năng thiên tài của ông. Sinfonia Concertante là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của Mozart và đã được thu âm hơn 40 lần - một con số phi thường.
NSƯT Bùi Công Duy
Đêm nhạc có được sự tham gia của hai nghệ sĩ solo nổi tiếng nhất Việt Nam, NSƯT Bùi Công Duy, là nghệ sĩ violin và nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo. Họ được đánh giá là những nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ giỏi nhất trong nước hiện nay.
NSƯT Bùi Công Duy đã chơi violin cả đời và từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Hiện anh là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chuyên trách hoạt động biểu diễn. Phạm Vũ Thiên Bảo ban đầu cũng là nghệ sĩ violin nhưng sau đó chuyển sang viola. Anh ấy đã có nhiều năm ở Pháp và biểu diễn khắp Châu Âu.
Nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo
Cùng với đó, HBSO dự định sẽ giới thiệu lần lượt 9 bản giao hưởng của Beethoven và lần này, bản giao hưởng số 1 được lựa chọn thực hiện. Bản giao hưởng số một của Beethoven cung Đô trưởng sẽ chiếm toàn bộ phần nửa sau của buổi hòa nhạc. Beethoven đã đợi một thời gian khá lâu trước khi sáng tác về giao hưởng hoặc tứ tấu đàn dây, có lẽ vì đây là những hình thức mà người thầy, người hướng dẫn của ông, Joseph Haydn, đã ghi dấu ấn quá lớn định danh tên tuổi của mình ở các thể loại này. Bản giao hưởng số 1 của Beethoven được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1800, và đã hứa hẹn một sự khởi đầu mới ở thời điểm đó.
Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng người Anh Donald Tovey đã viết rằng bản giao hưởng đầu tiên của Beethoven là một tác phẩm âm nhạc châm biếm xã hội. Một tác phẩm hài về cách cư xử trong văn học là một tác phẩm châm biếm những thói quen của xã hội, và chính là điều mà Tovey có lẽ muốn nói trong bản giao hưởng này, Beethoven đã sử dụng những thói quen âm nhạc của các tác giả giao hưởng thời của ông và làm đảo lộn chúng.
Bản giao hưởng vừa mang tính truyền thống vừa mang tính cách tân. Đối với những người chưa qua đào tạo, nó có thể nghe giống như Haydn hoặc Mozart, nhưng chuyên gia sẽ nhận thấy một số đặc điểm bất thường. Một trong số này là chương 3 của tác phẩm. Theo truyền thống, ở đây sẽ là một điệu nhảy, điệu minuet viết ở dạng Trio, nhưng chỉ dẫn của Beethoven cho phần này là chơi ở tốc độ cực nhanh, đến nỗi nó gần như trở thành một điệu scherzo. "Scherzo" có nghĩa là "trò đùa" trong tiếng Ý.
Những khán giả đầu tiên vào năm 1800 đã đánh giá nó là một kiệt tác. Họ đã quen với Haydn và Mozart và sẵn sàng đón nhận một cái gì đó mới mẻ. Do đó, sự kết hợp giữa cái mới và cái quen thuộc của Beethoven hẳn đã làm hài lòng mọi đôi tai.
T.TRANG