"Bệ phóng" cho tài năng âm nhạc thính phòng
VHO- Hai cuộc thi chuyên nghiệp Âm nhạc mùa thu 2023 và Hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc 2023 đang diễn ra với sự góp mặt của đông đảo diễn viên tới từ các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập; giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật...
Qua thời gian dài gián đoạn, đến năm nay cuộc thi âm nhạc thính phòng mới được tổ chức trở lại
Ngoài phát hiện và nâng đỡ tài năng âm nhạc thính phòng, sự kiện còn là căn cứ để các nhà quản lý đánh giá thực trạng, có giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, giảng dạy trong thời gian tới.
Mong chờ sau nhiều năm gián đoạn
Hai cuộc thi do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hà Nội, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức.
TS.NSND Quốc Hưng, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc 2023 nhận định: “Đã lâu chúng ta mới tổ chức những cuộc thi âm nhạc thính phòng. Tôi rất vui khi thấy thí sinh đăng ký tham gia khá đông, đặc biệt là thí sinh giọng nam cao, nữ cao. Bên cạnh đó, trong chương trình còn có những tác phẩm mà nhiều năm qua các em không được dự thi do không có sự kiện tầm cỡ nào được tổ chức”.
Tại cuộc thi lần này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra quy chế chặt chẽ về độ tuổi thí sinh tham gia các bảng, quy định bài hát trong các vòng thi… Chẳng hạn, vòng 1 là bài hát aria trích trong các vở nhạc kịch nổi tiếng của thế giới, các thí sinh phải hát nguyên bản gốc, không được dịch giọng, không được lên tông, xuống tông và không được chuyển ngữ ra tiếng nước khác; vòng này các em biểu diễn không dưới 10 phút, vòng 2 từ 15-20 phút. Các tác phẩm được đưa vào quy chế để các em dễ lựa chọn tác phẩm biểu diễn… Với những yếu tố như vậy, NSND Quốc Hưng kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ thành công, giúp các em sau này theo con đường phát triển sự nghiệp dễ dàng và tự tin hơn.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chấm thi Hòa tấu âm nhạc thính phòng khẳng định, đây là cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp tầm cỡ nhất của nước ta. Qua nhiều năm bị gián đoạn, năm nay cuộc thi mới được tổ chức trở lại nên rất mong các cơ quan, ban, ngành có những chính sách tạo thuận lợi để cuộc thi được tổ chức thành công, trở thành động lực cho các thí sinh cố gắng nâng cao kỹ thuật nghề nghiệp.
“Qua sự cọ xát giữa các thí sinh, chúng ta có thể đánh giá được thực trạng đào tạo hiện nay, đồng thời khuyến khích các tài năng phát triển ngày càng tốt hơn. Tôi mong các em sẽ thể hiện được hết các mặt mạnh của mình và đạt kết quả thật tốt”, PGS.TS Nguyễn Huy Phương bày tỏ.
Một tiết mục dự thi
Nâng cao hiệu quả trong bồi dưỡng, đào tạo, phát triển tài năng
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đây là hai cuộc thi có tính chuyên môn cao, đòi hỏi việc tổ chức phải thật chuyên nghiệp để tìm kiếm các tài năng trẻ âm nhạc hàn lâm tham gia đấu trường quốc tế. Hiện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam có đề án đào tạo tài năng và đề án đào tạo ở nước ngoài. PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, các thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi sẽ được ưu tiên tham gia chương trình đào tạo tài năng của nhà trường; đồng thời là tiêu chí, điều kiện xét tuyển trong đề án đào tạo tại nước ngoài…
Không chỉ có vậy, hai cuộc thi cũng mang tới bức tranh khá toàn cảnh về sự phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng âm nhạc thính phòng thời gian qua; động viên, khuyến khích, tôn vinh các tập thể, cá nhân có công sức, tâm huyết trong việc tìm tòi và tiếp thu những tinh hoa của nền âm nhạc thính phòng thế giới; làm phong phú cho nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật của Việt Nam nói chung.
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh, thông qua hai cuộc thi lần này, các nhà quản lý, nghiên cứu sẽ có thêm căn cứ để đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng trong thời gian qua. Từ đó, đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bồi dưỡng, đào tạo và phát triển tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân cả nước.
“Sau cuộc thi, chúng tôi sẽ trao đổi với cơ sở đào tạo về việc cấp học bổng hay kế hoạch đào tạo chuyên sâu hơn để các em có cơ hội hòa trong sự phát triển chung của thế giới, cọ xát với những tác phẩm lớn về thính phòng, nhạc kịch, những tác phẩm nổi bật của các nhà hát…”, NSƯT Trần Ly Ly cho biết.
Thông qua hai cuộc thi lần này, các nhà quản lý, nghiên cứu sẽ có thêm căn cứ để đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng trong thời gian qua. Từ đó, đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bồi dưỡng, đào tạo và phát triển tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân cả nước. (NSƯT TRẦN LY LY, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) |
THANH NGỌC