Khi ngư trường là nhà

VHO - Với những chính sách hỗ trợ vốn kịp thời và hiệu quả từ trung ương đến địa phương, trong những năm gần đây, ngư dân Quảng Nam đã có nguồn lực quan trọng để yên tâm bám biển, nâng cao năng lực đánh bắt, góp phần hiện đại hoá ngành khai thác thuỷ sản, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển.

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

Là một tỉnh duyên hải miền Trung, có 125km bờ biển, từ bao đời nay, biển là nhà, là nguồn sống của cư dân vùng ven biển Quảng Nam. Có vùng đặc quyền kinh tế rộng 40.000 km2 với nhiều ngư trường, phong phú nguồn lợi, nghề khai thác hải sản Quảng Nam đã đóng góp mỗi năm không dưới 90.000 tấn hải sản.

Gặp ngư dân Trần Hò tại cảng Tam Quang khi ông đang cùng các bạn thuyền bốc dỡ cá từ dưới tàu lên, chúng tôi được biết, chuyến đi biển lần này của tàu QNa 91478 do ông làm chủ tàu với một tháng vươn khơi đã mang về cho anh em bạn tàu mỗi người hơn 10 triệu đồng. Ông cho biết, để có thể bám biển vươn khơi được như hôm nay, là nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn của trung ương và địa phương.

Khi ngư trường là nhà - Anh 1

Với nguồn vốn vay từ trung ương đến địa phương, ngư dân Quảng Nam đã cải hoán, nâng cấp tàu thuyền để yên tâm vươn khơi, bám biển

 Năm 2018, nhờ được vay hơn 1,5 tỉ từ quỹ đầu tư, nên ông đã cải hoán và nâng cấp hai con tàu lên công suất 15.000CV, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động. Ông Hò cũng cho biết, trước đây, ngư dân thường vay vốn tín dụng đen, hoặc vay đầu nậu sau đó khấu trừ vào việc bán cá nên tiền đi biển về nhiều khi trả nợ chẳng còn bao nhiêu, hoặc bị thương lái ép giá. Từ khi được vay vốn từ nguồn hỗ trợ của trung ương và địa phương nên ngư dân không còn phụ thuộc vào tín dụng đen, được tiếp thêm nguồn lực để ra khơi, khai thác thuỷ sản.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, kinh tế  biển đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để đạt mục tiêu tăng sản lượng khai thác hải sản, thì ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, tỉnh Quảng Nam cũng đang xúc tiến chương trình hiện đại hóa nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá; khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển. Ngoài 700 tỉ đồng đã giải ngân cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67, Quảng Nam đã cho ngư dân vay hơn 200 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ ngư dân để ngư dân nâng cấp, đóng mới gần  130 tàu cá công suất lớn, thời hạn vay 5 năm, lãi suất 0%, chỉ thu 2% phí quản lý, bà con rất phấn khởi vươn khơi.

Ngoài việc hỗ trợ ngư dân vay vốn để cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, tỉnh Quảng Nam còn rất chú trọng đến công tác hậu cần nghề cá. Ngoài việc khuyến khích các cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần tổ chức thực hiện chuỗi liên kết, cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa, ngư cụ, trang thiết bị và thu mua, chuyển tải sản phẩm đảm bảo cho hoạt động sản xuất của phương tiện dài ngày, thì việc đầu tư xây dựng cảng là vô cùng quan trọng.

Khi ngư trường là nhà - Anh 2

Sự ra đời của cảng cá Tam Quang đã giúp việc thu mua hải sản thuận lợi và nguồn gốc, xuất xứ của hải sản rõ ràng

Trước đây, Quảng Nam có một cảng cá An Hoà (huyện Núi Thành). Phía Bắc tỉnh chưa có cảng cá nên số tàu cá xuất, nhập bến qua Cửa Đại – Hội An và số tàu cá ở bãi ngang của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ lên cá tại bến cá Thanh Hà (Hội An) hoặc các bến cá tư nhân tự phát tại địa phương hoặc chạy về Đà Nẵng, lên cá tại cảng cá Thuận Phước. Vì vậy, phần lớn hải sản khai thác chưa được kiểm soát.

Nhận rõ vai trò quan trọng của cáng cá, ngày 31.3.2017, Dự án Cảng cá Tam Quang đã được đầu tư xây dựng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành theo quyết định số 1083/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đến ngày 10.2.2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định công bố mở cảng cá Tam Quang  là cảng cá loại II, với cầu cảng có chiều dài 167,4m, độ sâu vùng nước đậu tàu  âm 5m. Cảng cá mới này là nơi  tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng. Năng lực bốc dỡ hàng hóa 16.000 tấn/năm cùng với các khu phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng như khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ…

Sự ra đời của cảng cá Tam Quang khiến ngư dân vô cùng phấn khởi. Là người có thâm niên đi biển gần 50 năm, cũng là một trong những chủ tàu có nhiều tàu trong khu vực, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết, từ khi có cảng cá, việc thu mua hải sản của bà con thuận lợi hơn, giá cả ổn định, bà con không còn bị thương lái ép giá. Tàu bè ra vào ổn định theo luồng lạch.

Thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU

Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Tam Quang cho biết, kể từ khi cảng cá Tam Quang ra đời, nơi đây không chỉ là địa điểm cho tàu thuyền xuất/ nhập, là nơi thu mua thuỷ sản, mà còn là nơi kiểm soát hành trình đi biển của các tàu và việc thực thi pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác thuỷ sản. Theo quy định, các tàu khi ra khơi đều phải gắn máy giám sát hành trình và phải mở 24/24h. Nếu tàu nào bị mất tín hiệu giám sát hành trình thì phải quay về bờ trong vòng 10 ngày và phải giải trình để cơ quan chức năng xác minh việc mất tín hiệu. Bên cạnh đó, ngư dân khi khai thác thuỷ sản trên biển, phải ghi nhật ký khai thác.

Khi ngư trường là nhà - Anh 3

Hoạt động trên biển của ngư dân luôn được kiểm soát để bảo đảm việc khai thác đúng quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế

Ông Ngô Văn Định cho biết thêm, giai đoạn trước đây người dân chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác và cũng chưa chủ động báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng, gây khó khăn trong công tác điều hành cũng như việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Tuy nhiên, qua một thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, ngư dân đã nhận thức rõ những lợi ích thiết thực của việc làm này. Đáng nói là việc có những cảng cá như cảng cá Tam Quang tạo điều kiện cho bà con tuân thủ nghiêm hơn các quy định về đi biển và có nơi để xác định nguồn gốc khai thác thuỷ  sản, thuận tiện trong hoạt động giao dịch mua bán. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật đánh bắt trên biển, cách ướp cá, sơ chế sản phẩm để bảo đảm chất lượng… nên bà con rất phấn khởi.

Biển là nguồn sống của ngư dân, nhưng tài nguyên biển không phải là vô hạn và việc khai thác thuỷ sản trên biển không chỉ tuân thủ pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ người dân vay vốn để nâng cấp tàu thuyền, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất đánh bắt, giảm sức lao động và tăng thời gian vươn khơi dài ngày, thì chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng kiểm soát khai thác hợp lý nhằm có thời gian tái tạo nguồn lợi thủy hải sản. Đặc biệt, việc tổ chức nhiều lớp tập huấn và tích cực, thường xuyên tuyên truyền phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã giúp ngư dân nhận thức đầy đủ và đúng đắn cá quy định về khai thác thuỷ sản hợp pháp. Đến nay, hầu hết ngư dân đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khi khai thác thuỷ sản trên biển, cá biệt có một vài trường hợp vi phạm, trong đó có lý do khách quan như tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình khi đang ở gần đường ranh giới cho phép khai thác trên biển, hoặc thuyền trưởng điều khiển tàu cá thiếu kinh nghiệm nên đi chệch đường…

Khi ngư trường là nhà - Anh 4

Những xe chở hải sản chuẩn bị rời cảng để đi tiêu thụ 

Tỉnh Quảng Nam hiện có 2.715 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 657 chiếc, tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 720 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 1.338 chiếc. Ngành khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Tỉnh cũng đã thành lập được 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển. 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Luôn coi ngư trường là nhà, nay với sự hỗ trợ của nhà nước về vốn vay và các cơ chế chính sách khác, ngư dân Quảng Nam càng yên tâm bám biển, vươn khơi và tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU. Hỗ trợ cho ngư dân bám biển, khai thác thủy sản chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc