Đường 1C huyền thoại “sống dậy” qua từng trang sách
VHO- “Khi chiến tranh qua đi, những người con gái năm xưa đã bỏ lại nhan sắc, tuổi thanh xuân nơi đạn bom ác liệt. Nhiều người nằm xuống nơi bưng sâu, lung, bàu, dưới lòng sông, cánh rừng, thôn xóm dọc tuyến đường… Được sống trong những ngày hòa bình, nhớ lại tuyến đường huyền thoại năm xưa, nhiều người ngỡ ngàng tự hỏi: Sao mình có thể chịu đựng và sống sót?”.
Cuốn sách “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM là cây viết thành công về đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó có cuốn Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái vừa đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ tư năm 2020. Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản CAND đã tái bản và phát hành cuốn sách rộng rãi.
Năm 1966, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện theo Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, lúc này đã đến miền Đông Nam Bộ và để thông suốt đến tận mũi Cà Mau, tuyến đường 1C được ra đời. Chuyến hàng “khai trương” tuyến đường huyền thoại này là 350 tấn vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Quân số phục vụ cho tuyến đường là hơn 800 người, đa phần là nữ ở lứa tuổi 18-20, nhiều cô gái mới 14-15 đã khai thêm tuổi để tòng quân, có chị trốn gia đình theo đơn vị. Giã từ quê mẹ, mái trường thân yêu, những cô gái trẻ dấn thân vào chiến trường 1C đầy khốc liệt, được xem là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi sắt thép có thể tan chảy nhưng họ vẫn bám trụ để chiến đấu và lập nên những chiến công hiển hách.
Không lâu sau đó, Bộ Chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ và Vùng 4 chiến thuật phát hiện ra con đường 1C này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, nên đã dốc toàn lực đối phó bằng những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao. Đối phương huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường, nhằm hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá. Một cuộc chiến không cân sức giữa sức người và bom đạn. Thế mà, suốt gần 10 năm sau khi hình thành, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết, bám địa bàn, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua lại. Họ đã làm nên lịch sử, làm nên huyền thoại mang tên Đường 1C.
Trầm Hương chọn điểm nhấn cho cuốn sách của mình là “những bờ vai con gái”. Cũng đúng thôi, khi hơn 2/3 lực lượng TNXP 1C là những cô gái trẻ, mảnh mai, yếu đuối, được ví như hoa, mềm như lụa, vậy mà vác trên vai trọng lượng gần bằng số ký của mình. Ngày qua ngày, các chị phải dầm mình trong mênh mông nước lũ, băng qua những cánh đồng cháy khô mùa hạn, chống chèo đi qua lòng sông giăng đầy bom mìn. Chị Nguyễn Thanh Hồng (Cà Mau), đơn vị Nguyễn Việt Khái 3 kể: “Chúng tôi không dám chải đầu vì mỗi lần chải là tóc rụng ra từng nắm. Chúng tôi không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi quá xơ xác, tàn tạ… Tóc khô cứng vì nước phèn, để đỡ rối, chúng tôi lấy mỡ bò trét lên rồi lấy băng đạn làm lược chải tóc! Từ thực tế ác liệt của chiến trường, chị em động viên nhau hy sinh mái tóc dài, bởi tóc dài khi chạy sẽ vướng tràm. Chúng tôi cắt tóc cho nhau mà nước mắt lăn dài”. Rồi sốt rét, bệnh phụ khoa, bệnh lác, đỉa hút máu… tất cả không làm các chị bỏ cuộc.
Đọc Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái, PGS.TS Bùi Thanh Truyền (Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) không khỏi xúc động: “Tôi đã khóc khi đọc cuốn sách này. Không cảm động sao được khi những lần cắt tóc tập thể của các chị, không cảm động sao được khi có những người đã nhường bát cơm, mũi thuốc cuối cùng cho đồng đội… Những người trẻ như tôi khi đến với cuốn sách này sẽ nhận được nhiều động lực để sống trách nhiệm hơn, sống bản lĩnh hơn, sống đẹp với chính bản thân và đất nước mình”.
HỒNG HẠNH