Bông hồng trên cát trắng

VHO- Nguyễn Thị Kim Hòa (1984), người con của quê hương Ninh Thuận cát cháy, không còn là cái tên xa lạ trong làng văn, khi những năm gần đây, cô liên tục gây ấn tượng với những tác phẩm đậm chất sáng tạo và cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn chương uy tín.

Bông hồng trên cát trắng - Anh 1

Nhà văn Kim Hòa (giữa) tại lễ trao giải Nhà văn nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam

 Mới đây nhất, cô được tạp chí Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) bình chọn vào danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022.

Viết hoàn toàn bằng tay

“90% những dòng chữ bạn đọc được trong tập sách này là do tôi nằm hoặc đứng viết nên. Và 100% chúng là tôi viết tay”, đó là những lời mà nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã từng tâm sự trong cuốn truyện dài Cơn lũ vẫn chưa qua. Thật vậy, hàng chục đầu sách đã ra đời đều được Kim Hòa viết tay trên vở học trò. Bởi thuở nhỏ, di chứng sau một trận sốt cao đã khiến cô bé Kim Hòa mới 2 tuổi đã bị mất cảm giác hoàn toàn ở tay phải, bàn tay trái cũng chỉ cử động được 3 ngón. Đó là lý do mà Kim Hòa không thể gõ máy tính và tất cảbản thảo đều được cô viết hoàn toàn bằng tay.

Nhìn giải thưởng và những cuốn sách của Nguyễn Thị Kim Hòa nối tiếp lên kệ, hẳn nhiều độc giả sẽ nghĩ rằng đường văn của Hòa hanh thông lắm. Hóa ra không, con đường ấy cũng vòng vèo và nhiều thử thách. Ấy thế mà Kim Hòa vẫn miệt mài viết. 14 năm, gần 20 tác phẩm, với đa dạng đề tài, nhưng quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn riêng, không phải lấy số lượng át chất lượng. “Mọi khiếm khuyết trên đời này đều được chữa lành bằng một trái tim”, Kim Hòa đã viết vậy ở tác phẩm Tay chị tay em đầu tiên của mình. Dường như tình yêu văn chương là “chất gây nghiện” và đã “đánh bay” mọi đớn đau về thể xác, để lại một Kim Hòa luôn sống tin yêu, lạc quan cả trong cuộc đời cũng như trên từng trang viết.

Với hơn chục đầu sách, đoạt nhiều giải thưởng, nhưng Kim Hòa chỉ muốn độc giả thưởng thức văn chương của cô một cách trọn vẹn, thay vì một phần nào đó cảm thương cho hoàn cảnh vượt khó của mình. Hơn thế nữa, cô không muốn “đổ lỗi” cho số phận, mà cô luôn cho rằng bản thân đã rất may mắn. “Nếu không may mắn, hôm nay tôi đã chẳng thể bước đi trên đôi chân mình hay viết ra những cuốn sách bằng chính bàn tay và khối óc này”, cô mỉm cười. Thật vậy, những trang sách của Kim Hòa rất đời. Ở đó, là nỗi vất vả, trắc trở của cô gái trẻ, thế nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, thay vào đó là hy vọng không nguôi, dám mơ ước để được thành công. Có thể thấy, tuổi thơ của Kim Hòa lưu dấu không phải bằng các trò chơi con nít trong xóm nhỏ, cũng không phải là những buổi trưa hè chạy băng bãi cát trắng rợn mùa nước cạn như cái cách mà cô đưa vào trong trang sách của mình sau này, mà là sự cố gắng từng chút một trong những buổi vật lý trị liệu. Và Kim Hòa đã vượt qua được nỗi sợ hãi ấy để hôm nay sống đúng với đam mê, nhiệt huyết của mình.

Với những nhân vật trong truyện của Kim Hòa cũng như thế, họ mạnh mẽ bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân với đam mê, không còn những nỗi sợ. Cũng từ đó, bạn đọc đến với những áng văn của cô một cách thật tự nhiên. “Tôi nghĩ, văn chương nên được đọc toàn vẹn như văn bản. Tôi đã từng lo sợ khi mọi người biết đến “hoàn cảnh tác giả” thì sẽ đọc trong một tâm thế không thoải mái, đôi khi là thương cảm chỉ với chính tác giả. Nhưng bây giờ thì đã khác, tôi đã nhận được sự chia sẻ thân tình, sự cảm mến của bạn đọc đi từ trang sách cho đến tác giả”.

Văn chương như "một liều thuốc”

Hơn ba mươi tuổi, Kim Hòa đã làm “mẹ” của một bầy trẻ thơ trong “Lớp học Cây Me” của mình. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận, khi đến nay đã có 7 tác phẩm viết cho thiếu nhi lấy cảm hứng từ lớp học này, như ở tác phẩm Chuyện kể ở lớp học Cây Me. Hòa tâm sự: “Lớp học nuôi sống tôi, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả tâm hồn. Các em cứ cổ vũ cô ơi viết đi, động viên tôi viết tiếp. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng tạo lập cho các em thói quen đọc sách và tìm hiểu văn học. Sắp tới đây, tôi sẽ xuất bản sách Vương quốc ngộ nghĩnh về chính lớp học nhỏ của mình, một câu chuyện dành cho trẻ con nhưng người lớn cũng thấy mình trong đó, và một tác phẩm khác về quê hương Ninh Thuận”.

Sau khoảng thời gian gắn bó với văn chương, Kim Hòa nhận ra rằng ở Ninh Thuận còn bao tầng văn hóa, lịch sử, bao số phận con người mà bản thân chưa từng chạm tới được. Và thế là cô bắt đầu chắp bút với tập tản văn Sa mạc và những vệt nhớ, trĩu nặng nỗi nhớ niềm thương với mảnh đất quê hương Phan Rang.

Không “ngủ quên trong chiến thắng”, Kim Hòa mong muốn tạo ra một thế giới văn chương song hành, như cô đã từng chia sẻ: “Đôi lúc cần trẻ nhỏ để thi vị hóa bớt thế giới người lớn. Và cần người lớn để vững vàng hơn trong thế giới trẻ con”. Chính vì thế, ngoài mảng văn học thiếu nhi, Kim Hòa đã dành những trang viết cho tuổi “teen” với tác phẩm Cơn lũ vẫn chưa qua, Thần Cupid có nhầm không. Truyện ngắn cũng chính là thể loại gắn bó nhiều nhất với Kim Hòa và giúp cô “gặt” được nhiều “quả ngọt” nhất, như tác phẩm Nho đắng, Ngoài cửa sổ nắng tan, Tiếng đất, Gió chiều thôi xéo xắt, Nước mắt muối... Hay gần đây nhất, Kim Hòa “dấn thân” với truyện ngắn lịch sử qua Bạch yến, Trăng đắm, Vết hoa, Nắng quái Tây Nam thành, Tiếng gọi trong sương, Con chim phụng cuối cùng… đầy cuốn hút. Kim Hòa cho biết, cô sống nhờ thu nhập của nghề dạy học, nhưng nghề văn cho cô được tham gia vào chuyến phiêu lưu lớn nhất của cuộc đời mình. “Đó chính là chuyến phiêu lưu hạnh phúc mà tôi chờ đợi. Muốn hạnh phúc, thì người ta cần có cảm hứng để hạnh phúc. Và thế, tôi đã mất rất nhiều thời gian để biết rằng cảm hứng ấy ở gần thôi, nhỏ thôi và sát bên cạnh tôi đây thôi, đó là nghề viết”, Kim Hòa chia sẻ trong niềm hạnh phúc.

Tay có thể hơi yếu, cơ thể có thể hơi mệt, nhưng sự lạc quan vô bờ đã chắp cánh cho tâm hồn và cho cả những dòng văn Kim Hòa bay bổng, được tỏa sáng. “Chính văn chương đem tôi ra khỏi lâu đài kính. Viết văn, tôi có thêm nhiều bạn hơn. Cũng từ đó, tôi tìm được những tâm hồn đồng điệu với mình nhờ những trang văn”, Kim Hòa chia sẻ. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc