Đà Nẵng: Sắp diễn ra Giải đua thuyền truyền thống thành phố sau hơn 5 năm vắng bóng

VHO - Sau hơn 5 năm không có giải đua thuyền truyền thống, năm 2023, Sở VHTT Đà Nẵng cho biết sẽ tổ chức lại giải vào ngày 2.9 tới đây, Giải sẽ thu hút khoảng 350 vận động viên đến từ 20 đội, gồm 12 đội thuyền đua nam và tám đội thuyền đua nữ.

Từ năm 2018 cho đến nay, Giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn chưa được tổ chức lại. Thiếu vắng một hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống ý nghĩa trong một thời gian quá dài khiến cho những người dân thành phố Đà Nẵng không khỏi hoài mong, thắc mắc.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa X vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử về việc nhiều năm trước đây, Giải Đua thuyền truyền thống của thành phố vào dịp chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 hàng năm trên sông Hàn được người dân Đà Nẵng và Quảng Nam rất quan tâm và tự hào về nét sinh hoạt thể thao - văn hóa này, tuy nhiên những năm gần đây (từ 2018 đến nay) không thấy hoạt động này nữa.

Đà Nẵng: Sắp diễn ra Giải đua thuyền truyền thống thành phố sau hơn 5 năm vắng bóng - Anh 1

Giải đua thuyền truyền thống tại huyện Hòa Vang được tổ chức khá đều đặn

Được biết trước đây, Giải Đua thuyền truyền thống thành phố Đà Nẵng mở rộng tranh Cup VTV Đà Nẵng là sự kiện thường niên do Sở VHTT Đà Nẵng cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Thể thao dưới nước thành phố phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa - thể thao nổi bật nhân dịp chào mừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 hằng năm trên sông Hàn, và được tổ chức liên tục đến năm 2017 với sự tham gia của các đội thuyền đua nam, nữ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, hoạt động thu hút rất đông người dân Đà Nẵng và du khách từ đôi bờ sông Hàn dự xem. 

Không chỉ là hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân thành phố nói chung, giải đua thuyền truyền thống còn là dịp mà ngư dân đặc biệt gửi gắm khát vọng, nỗi nhớ của mình với cuộc sống sông nước đã hiện hữu từ đời cha ông để lại.

Bà Nông Thị Bé (quận Thanh Khê) cho biết, đối với những người cùng lứa tuổi với bà thì giải đua thuyền là ngày hội không thể thiếu, được mọi người chờ đón hàng năm. “Các giải đua thuyền mỗi năm của thành phố hay địa phương nào tổ chức, bà cũng nhờ con, hoặc cháu đưa đi xem. Đông vui lắm, mọi người ở trên bờ ai cũng cổ vũ nhiệt tình, cái không khí ấy không thể nào quên được”, bà Bé nhớ lại.

Tương tự, ông Chu Văn Mó (quận Hải Châu) tiếc nhớ: “Đã mấy năm rồi tôi không được coi lớp thanh niên đua thuyền, ngày xưa cứ mỗi lần có đua thuyền là lo gọi nhau đi sớm để có chỗ coi cho rõ ràng. Không hiểu sao hoạt động văn hóa đẹp và cần thiết đối với đời sống tinh thần của  bà con như vậy mà thành phố không nỗ lực duy trì?”.

Theo Sở VHTT Đà Nẵng lý giải, từ năm 2018 đến nay do khó khăn về kinh phí tổ chức và tham dự giải lớn trong khi công tác vận động tài trợ gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị thuyền bị xuống cấp, hư hỏng sau một thời gian dài sử dụng; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… nên giải chưa thể tổ chức lại như trước đây. 

Đà Nẵng: Sắp diễn ra Giải đua thuyền truyền thống thành phố sau hơn 5 năm vắng bóng - Anh 2

Đầu năm 2023, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cũng tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn

Được biết, tại các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giải đua thuyền truyền thống phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và thể thao cho người dân vẫn được tổ chức đều đặn, như ở huyện Hòa Vang, Lễ hội đình Túy Loan tổ chức hàng năm đều có đua thuyền. Lễ hội đình Bồ Bản ba năm một lần cũng tổ chức đua ghe, ở xã Hòa Bắc cũng có những giải đua thuyền diễn ra thường xuyên…  Đầu năm 2023, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cũng tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn với sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm vận động viên, cổ động viên là người dân địa phương có mặt cổ vũ. Đối với đông đảo người dân Đà Nẵng, lễ hội đua thuyền Đà Nẵng không đơn thuần là một cuộc thi thể thao giữa các đội với nhau, mà các đội đua còn tái hiện những nét văn hóa dân gian của người dân vùng biển, thể hiện tinh thần đoàn kết tập thể, tương trợ lẫn nhau và vui cùng bạn thuyền.

Đánh giá về tầm quan trọng của các hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống đối với đời sống người dân Đà Nẵng nói chung, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho rằng, các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, ví dụ như đua thuyền, là những hoạt động có tính tập thể, giao lưu, hợp tác và phát triển giữa các cá nhân, tổ chức hay cộng đồng. Ngoài ý nghĩa giáo dục thể chất, nâng cao ý thức tự rèn luyện thể thao cho mỗi cá nhân, đây là những cơ hội để đông đảo quần chúng tụ họp, để họ cùng vui với niềm vui của người khác, cùng tự hào chiến thắng trong thi đấu,… tạo nên sự nhất thể hóa đời sống tinh thần của cộng đồng. Từ đó hình thành nên mối quan hệ gắn kết cộng đồng, cùng đồng thuận trong thực hiện những mục tiêu cụ thể khác. 

Trước nhu cầu của người dân thành phố đối với việc cấp thiết phải khôi phục lại hoạt động thể thao, văn hóa quan trọng nói chung và giải đua thuyền truyền thống nói riêng, Sở VHTT cho biết, đơn vị sẽ nghiên cứu đưa Giải Đua thuyền truyền thống thành phố nói riêng và các hoạt động khác nói chung như: Kayak, SUP, Sailing… vào kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao hàng năm nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố.

“Hiện nay, bộ môn Đua thuyền là một trong những bộ môn trọng điểm của thành phố, do vậy, bên cạnh việc đầu tư, phát triển các môn Đua thuyền hiện đại (Rowing, Canoeing, Kayak), Thuyền buồm (Sailing) và đạt được thành tích cao ở đấu trường trong nước, quốc tế, Sở VHTT đang từng bước khôi phục và phát triển lại môn Đua thuyền truyền thống thông qua việc cử các đội tuyển thi đấu giải Vô địch quốc gia những năm gần đây và mới đây”, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc