Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8
VHO - Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tới Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8.
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 - 8.11.2024.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Tiểu vùng Mekong Mở rộng là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km vuông. Hợp tác GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong.
Mục tiêu dài hạn của Chương trình là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, hợp tác của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) đã gia tăng đáng kể. Nhờ vị trí chiến lược và tiềm năng tăng trưởng, khu vực lưu vực sông Mekong đã thu hút được sự quan tâm của các cường quốc và đối tác phát triển, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Tiểu vùng Mekong được đánh giá là khu vực thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo trong ba thập niên qua.
Là một quốc gia thuộc Tiểu vùng Mekong, Việt Nam có nhiều lợi thế về địa - chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, tận dụng được những lợi thế sẵn có này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực trong tương lai. Trong thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của mình trong hợp tác Tiểu vùng, thúc đẩy hợp tác khu vực và quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước Tiểu vùng Mekong; thúc đẩy và tranh thủ các nội dung ưu tiên hợp tác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực quản lý, sử dụng bền vững sông Mekong.