Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn

VHO - Chiều 19.10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Theo đó kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23.10 và dự kiến bế mạc vào ngày 28.11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày trong đó Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - Anh 1

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cung cấp thông tin tại buổi họp báo

Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - Anh 2

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo

Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, phạm vi chất vấn ở kỳ họp này sẽ rộng hơn khi Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Đây cũng là kỳ họp, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về nội dung này, Phó trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, liên quan đến báo cáo kê khai tài sản của người được lấy phiếu tín nhiệm, cho tới thời điểm này Quốc hội đã nhận được đầy đủ và đã gửi tới các đại biểu Quốc hội trước 20 ngày theo quy định để nghiên cứu, cho ý kiến.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - Anh 3

Buổi họp báo diễn ra vào chiều 19.10, tại Nhà Quốc hội

Về trách nhiệm nêu gương của người được lấy phiếu tín nhiệm, cho tới nay, qua các kênh, Quốc hội chưa nhận được thông tin về trách nhiệm nêu gương, liên quan đến vợ, con của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Toàn bộ thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan báo chí, cử tri và nhân dân cả nước biết. Danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong phiên họp ngày 24.10. Dự kiến Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người đang giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn là 44 người. Đối với các trường hợp đã có thông báo nghỉ hưu hoặc mới được bổ nhiệm trong năm 2023 (5 trường hợp) sẽ không được tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc