Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
VHO - Tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV (từ ngày 4 đến 9-11) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Ngày mai 4.11, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Trong phiên họp sáng 5.11, Quốc hội cũng dành phần lớn thời gian thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Trong tuần làm việc, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM , thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Theo chương trình, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trước đó, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến cho rằng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật. Trong đó xác định, quảng cáo là một trong 12 loại hình của công nghiệp văn hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này sẽ tập trung vào 15 Điều và bổ sung 2 Điều mới để thực hiện cho năm vấn đề lớn. Trong đó làm rõ hơn các khái niệm, thẩm quyền, nghĩa vụ của người có sản phẩm quảng cáo để phù hợp với các hình thức thể hiện và truyền tải sản phẩm quảng cáo phát sinh trong thực tiễn hiện nay đang được quan tâm.
Tiếp đến là yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, trong đó yêu cầu quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không được gây ra hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng của các loại sản phẩm, hàng hóa dịch vụ...
Dự án Luật cũng sửa đổi quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như quảng cáo mỹ phẩm, quảng cáo thực phẩm, hóa chất...
Đồng thời bổ sung các quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet...
Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia trong các hoạt động quảng cáo.
“Dự án luật cũng tập trung vào các thủ tục hành chính, sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp để hạn chế đến mức tối đa những biểu hiện gây phiền hà, tối ưu hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng khẳng định.