Lĩnh vực văn hóa đạt nhiều kết quả rõ nét
VHO - Đánh giá về kết quả mà ngành Văn hóa đạt được trong thời gian qua, báo cáo của Chính phủ cùng các báo cáo chuyên đề và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành đã đạt được nhiều kết quả, có nhiều chuyển biến tích cực.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Hội trường. Ảnh: TR. HUẤN
Đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng cho biết, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại. Dành nguồn lực hợp lý để thúc đẩy thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao”.
Về nội dung này, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho biết, đồng tình với báo cáo của Chính phủ và rõ ràng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn. “Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong việc chuyển đổi từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Từ đó đã có những kết quả đáng ghi nhận. Ở lĩnh vực văn hóa, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; việc xếp hạng, tu bổ, phục hồi di tích, di sản đạt nhiều kết quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động ngoại giao văn hóa được tăng cường”, đại biểu Phan Viết Lượng ghi nhận.
Đại biểu Phan Viết Lượng
Về thể thao, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, các hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được quan tâm, thu hút đông đảo đối tượng tham gia. Việc bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống đạt nhiều kết quả. Thể thao Việt Nam đang có bước phát triển bền vững khi xác định phát triển thể thao quần chúng tạo nền tảng cho thể thao thành tích cao và thể thao thành tích cao sẽ tác động tích cực đối với sự phát triển của thể thao quần chúng. Về du lịch, tiếp tục phục hồi; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trưởng tích cực, vượt chỉ tiêu đề ra. 9 tháng đầu năm 2023, nước ta đón khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu 8 triệu đề ra cho cả năm. Chính sách thị thực mới được ban hành tạo thuận lợi cho phát triển du dịch. Nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với xu thế mới. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết vùng, liên kết địa phương được đẩy mạnh.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và rõ ràng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn. Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong việc chuyển đổi từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Từ đó đã có những kết quả đáng ghi nhận. (Đại biểu PHAN VIẾT LƯỢNG, Bình Phước) Câu chuyện về chấn hưng, phát triển văn hóa cũng đã được đề cập và đó cũng là mục tiêu để chúng ta xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Dù là khá muộn nhưng muộn còn hơn không. Vấn đề là làm sao xây dựng chương trình mang tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và cần tính toán kỹ lưỡng xem nguồn lực lấy ở đâu, chỗ nào thì cần ngân sách nhà nước, chỗ nào thì cần kinh phí xã hội hóa để huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. (Đại biểu TRỊNH XUÂN AN, Đồng Nai) |
Bộ đã tham mưu tích cực cho Chính phủ, Quốc hội
Ấn tượng với việc du lịch Việt Nam đã vượt mốc đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023 chỉ sau 9 tháng đầu năm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ VHTTDL trong việc cùng các Bộ, ngành khác đề xuất Chính phủ, Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 luật liên quan đến xuất nhập cảnh, tháo gỡ điểm nghẽn về visa, giúp du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế.
“Đối với chủ trương nới lỏng visa để thu hút khách quốc tế, Bộ VHTTDL đã theo đuổi từ rất lâu, thể hiện rõ vai trò tham mưu, có trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công quản lý nhà nước”, đại biểu An đánh giá. Đồng thời đại biểu cũng nhìn nhận, việc Quốc hội đồng hành trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, tháo gỡ điểm nghẽn đã thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với yêu cầu khách quan, những vấn đề cấp thiết của đời sống, cùng Chính phủ điều hành sự phát triển của kinh tế - xã hội. “Tôi cũng đánh giá cao Bộ VHTTDL đã có nhiều định hướng để các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách cũng như việc cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới các thị trường tiềm năng, có khả năng chi trả cao. Tuy nhiên về chất lượng dịch vụ tổng thể, chúng ta vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực. Chúng ta không nên hài lòng với những kết quả đã đạt được mà phải cố gắng hơn nữa trong việc tạo ra một môi trường tổng thể, đồng bộ cả về kinh tế, xã hội để phát triển du lịch và phân loại dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho các mức thị trường khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bên cạnh việc phục vụ tốt hơn cho du khách quốc tế, chúng ta cũng cần phải phát triển các dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho du khách nội địa. Trong thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19 thì du lịch nội địa đã là cứu cánh, là bệ đỡ vì thế chúng ta không thể lãng quên thị trường này. Tôi cũng đánh giá cao việc Bộ VHTTDL đã có định hướng biến người dân thành chủ thể của phát triển du lịch bên cạnh vai trò quan trọng của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn trong việc định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Về văn hóa, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, người dân đã quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên theo đại biểu Trịnh Xuân An, sự quan tâm này vẫn là chưa đủ, chưa xứng tầm với vai trò, vị trí của văn hóa như quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta “văn hóa còn thì dân tộc còn”. “Tôi cho rằng dung lượng về văn hóa trong báo cáo của Chính phủ, trong các thảo luận của Quốc hội còn mỏng, nhiều đại biểu cũng có ý kiến rằng phần đánh giá về văn hóa nên được làm đậm nét hơn vì văn hóa gắn với đặc trưng riêng của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta đã chưa đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò của văn hóa. Câu chuyện về chấn hưng, phát triển văn hóa cũng đã được đề cập và đó cũng là mục tiêu để chúng ta xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Dù là khá muộn nhưng muộn còn hơn không. Vấn đề là làm sao xây dựng chương trình mang tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và cần tính toán kỹ lưỡng xem nguồn lực lấy ở đâu, chỗ nào thì cần ngân sách nhà nước, chỗ nào thì cần kinh phí xã hội hóa để huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp”, đại biểu Trịnh Xuân An trả lời phỏng vấn Văn Hóa.
Sáng 26.10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước. Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này. |
THU SÂM