Thủ tướng:
Chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân
VHO - "Chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng...", Thủ tướng nhắn nhủ.
Tối 4.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh".
Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng Thương hiệu Quốc gia; các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng.
Sự kiện do Hội đồng thương hiệu Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, nhằm thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ. Chủ đề của chương trình năm nay nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Theo Thủ tướng, qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là một trong những Chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.
"Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia", Thủ tướng khẳng định.
Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỉ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
"Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Trong thời gian tới, Thủ tướng các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.
Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.
Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.
Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với văn hóa doanh nghiệp, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Điều Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhất, chia sẻ, gửi gắm nhiều nhất là các doanh nhân, doanh nhân đem thời gian, trí tuệ, lòng nhân ái, tinh thần đạo đức kinh doanh là những cội nguồn cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, tiến vào kỷ nguyên xanh. Chúng ta có quyền tự hào là các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta ngày càng tiến bộ, ngày càng phát triển, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết:
Sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo sự thành công trong công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
"Hiện nay chúng ta còn nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; chúng ta phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, phải coi trọng thời gian và trí tuệ ở điểm này để tháo gỡ thật nhanh.
Chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045 nếu như thập kỷ tới đây chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới đây thì mới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045", Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định:
"Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam, mà nòng cốt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, hai mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Mỗi doanh nhân hãy thể hiện tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, bắt kịp xu hướng, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".