Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao:

Quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng của thể thao khu vực

THU SÂM

VHO - Hôm nay 14.10, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 15 (SOMS-15) sẽ khai mạc tại Vĩnh Phúc với sự tham dự của khoảng 70 đại biểu quốc tế đến từ 10 nước ASEAN, Timor Leste, Nhật Bản, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN cùng các đối tác (tham dự họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến).

Quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng của thể thao khu vực - ảnh 1
Trong khuôn khổ lễ bế mạc SOMS 14 năm 2023 đã diễn ra nghi thức chuyển giao vai trò chủ nhà của SOMS 15 cho Việt Nam. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan chuyển giao vai trò chủ nhà cho Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Phía chủ nhà Việt Nam có đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT), Ủy ban Olympic Việt Nam, Ủy ban Paralympic Việt Nam, Trung tâm Doping và Y học thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Cục TDTT.

Họp bàn nhiều vấn đề quan trọng

Tại phiên họp chính thức của SOMS 15 được tổ chức vào sáng nay, dự kiến Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL và ban tổ chức chủ nhà phát biểu chào mừng, sau đó Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, Chủ tịch SOMS 15 sẽ phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị.

Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN sẽ cập nhật về những hành động tiếp theo đối với những quyết định của SOMS-14 (năm 2023 tại Thái Lan); Hội nghị cùng rà soát và triển khai kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021- 2025, kèm theo đó là một số dự án, sự kiện quan trọng khác. Cũng tại Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ báo cáo về những hoạt động trong năm 2024 hưởng ứng ngày Thể thao ASEAN; đại diện đoàn Thái Lan sẽ báo cáo về công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 33 và ASEAN Para Games 13 năm 2025.

Tại phiên họp mở ASEAN + FIFA, các quốc gia thành viên ASEAN và FIFA sẽ trao đổi quan điểm về những hành động cần thiết để đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch hợp tác ASEAN-FIFA đồng thời thúc đẩy việc thực hiện Biên bản ghi nhớ ASEAN-FIFA. Tại phiên họp mở ASEAN + WADA + SEAPRADO, Tổ chức Phòng chống Doping thế giới (WADA) và Tổ chức Phòng chống Doping khu vực Đông Nam Á (SEARADO) báo cáo tóm tắt tại Hội nghị về việc thực hiện Biên bản ghi nhớ ASEAN-WADA phù hợp với các ưu tiên của Kế hoạch công tác ASEAN về Thể thao giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, các tổ chức liên kết và đối tác của ASEAN cập nhật về các sáng kiến đang diễn ra và sắp tới có liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về Thể thao giai đoạn 2021-2025. Các tổ chức và các đối tác khác của ASEAN cũng có thể đề xuất các cách thức tăng cường hợp tác với SOMS… Cũng tại Hội nghị này, đại diện Việt Nam với vai trò chủ trì sẽ thông báo chính thức về thời gian và địa điểm của các Hội nghị trong năm 2025, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS) lần thứ 8.

Tiếp theo chương trình làm việc, ngày 15.10 sẽ diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMS) + Nhật Bản lần thứ 7. Tại Hội nghị này, Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tổng hợp về những chương trình được triển khai tiếp theo sau Hội nghị 6th SOMS+Japan được tổ chức vào ngày 30.8.2023 và Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN- Nhật Bản tổ chức ngày 1.9.2023. Nhật Bản sẽ cập nhật tại Hội nghị về hiện trạng và định hướng tương lai trong khuôn khổ cơ chế Hợp tác ASEAN - Japan về Thể thao.

Hội nghị cũng sẽ ghi nhận thông tin và trao đổi quan điểm về những vấn đề cần sự quan tâm của các quốc gia thành viên ASEAN như phụ nữ và thể thao, giáo dục thể chất và thể thao cho người khuyết tật, thể thao vì sự phát triển bền vững. Hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo Kế hoạch hành động ASEAN - Nhật Bản về thể thao: Chính sách phát triển và xây dựng năng lực trong thể thao chuyên nghiệp tại các quốc gia thành viên ASEAN…

Ngày 16.10 sẽ diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMS) + Trung Quốc lần thứ 3. Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tóm tắt về các lĩnh vực hợp tác theo Điều khoản tham chiếu của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Trung Quốc (AMMS+China) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao + Trung Quốc (SOMS+China). Ban Thư ký ASEAN sẽ báo cáo tóm tắt tại Hội nghị về việc triển khai thực hiện đề xuất trao đổi và phục hồi các môn thể thao và trò chơi truyền thống ASEAN - Trung Quốc như di sản văn hóa phi vật thể. Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ trao đổi quan điểm về Dự án đồng thời thống nhất các cách thức tiến hành tiếp theo.

Cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao (AMMS) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao (SOMS) lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia đã thống nhất AMMS sẽ họp với chu kỳ 2 năm một lần và hằng năm đối với SOMS.

Tại các phiên họp AMMS và SOMS, Hội nghị đưa ra thảo luận một số vấn đề và đề nghị như: Phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, thể thao cho mọi người, thể thao đi kèm với du lịch như một ngành kinh tế; bình đẳng giới trong thể thao; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống và thúc đẩy tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe. AMMS và SOMS không chỉ là nơi để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là cầu nối để thúc đẩy hợp tác, nâng cao vị thế của thể thao trong khu vực.

Năm 2023 tại Chiang Mai (Thái Lan), trong khuôn khổ lễ bế mạc SOMS 14 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao (AMMS) lần thứ 7, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đãthực hiện nghi thức chuyển giao vai tròchủ nhà của SOMS 15 và các hội nghị liên quan năm 2024 cũng như vai trò Chủtịch Hội nghịBộtrưởng ASEAN về Thể thao lần thứ 8 (AMMS-8) năm 2025 cho Việt Nam. Đây là niềm vinh dự, trách nhiệm, cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, góp phần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể thao và cùng các nước trong khu vực đề xuất các sáng kiến nhằm phát triển thể thao trong khu vực Đông Nam Á.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, Việt Nam đã sẵn sàng cho các Hội nghị trong các ngày từ 14-17.10 tại khu du lịch Flamingo (Vĩnh Phúc). Đáng chú ý ngoài đại diện quan chức cao cấp về thể thao của các nước ASEAN và các đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như: Liên đoàn Cờ Đông Nam Á (ACC), Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á AFF), Liên đoàn các môn Thể thao Người Khuyết tật Đông Nam Á (APSF). Cùng dự còn có Tổ chức Phòng chống Doping Đông Nam Á (SEARADO), Tổ chức Quyền được chơi (The Right to Play), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và chữ thập đỏ quốc tế (IFRC), Ban Thư ký Khối thịnh vượng chung, Liên đoàn Thể thao trường học quốc tế (ISF), Tổ chức tư vấn Portas của Ban Thư ký ASEAN, Quỹ chia sẻ tình yêu hiệp hội bóng đá Hàn Quốc KFA, Trường Đại học Sangmyung Hàn Quốc, Trường Đại học Khoa học Thể thao Nippon (NSSU), Trường Đại học Seijo (SGE), Tổ chức Thể thao cho ngày mai (SFT)…

Với quy mô, tầm cỡ và sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị được kỳ vọng sẽ quyết đáp được nhiều vấn đề quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới để thể thao khu vực phát triển, hoà nhập cùng thể thao thế giới.

 Việt Nam tham gia SOMS kể từ năm 2012 và đã trở thành điểm đến của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao vào các năm 2014 và 2024. SOMS lần thứ 4 năm 2014, tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 9 nước ASEAN, đã góp phần tích cực quảng bá và tăng cường sự hiểu biết của nhân dân các nước ASEAN về quan hệ đối ngoại trong khối; thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa các nước ASEAN với nhau; quảng bá nền văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam tới bạn bè trong khu vực; định hướng các hoạt động về thể thao và liên quan đến thể thao trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nêu bật những thách thức, khó khăn cần khẩn trương giải quyết, trong đó có việc khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực thể thao; định hướng các hoạt động về thể thao và liên quan đến thể thao trong khu vực...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc