Những tấm huy chương quý hơn vàng

VHO- Trước khi lên đường sang Trung Quốc, các chuyên gia nhận định Asian Games 19 là đấu trường quá sức với thể thao Việt Nam, bởi đây tuy mang danh là đấu trường châu lục nhưng lại là nơi tập hợp các nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới và các VĐV hàng đầu châu Á. Và những ngày thi đấu đầu tiên của Đại hội đã cho thấy những nhận định đó là có cơ sở.

Những tấm huy chương quý hơn vàng - Anh 1

 Xạ thủ Ngô Hữu Vương mang về tấm HCB đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Asian Games 19

 Tấm HCB quý giá sau 3 ngày thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam được ghi do công của xạ thủ Ngô Hữu Vương khi anh xuất sắc giành được tại nội dung 10m súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam ở môn bắn súng. Đây cũng là tấm HCB đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội thể thao châu lục năm nay. Thành tích này cũng là sự nỗ lực vượt khó của Vương khi anh phải vượt qua một loạt đối thủ mạnh để giành tấm huy chương quý giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Với sự tham gia tranh tài của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, Asian Games 19 đã quy tụ các VĐV hàng đầu châu lục và thế giới. Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ấy, các cường quốc hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn chứng tỏ sức mạnh vượt trội. Trải qua gần 3 ngày thi đấu chính thức tính đến 15h hôm qua, đoàn Trung Quốc đang dẫn đầu với số huy chương vượt trội so với các đoàn còn lại. Con số 70 huy chương trong đó có 40 HCV, 21 HCB, 9 HCĐ đã cho thấy sức mạnh của nước chủ nhà. Đứng thứ hai là đoàn Hàn Quốc, chỉ được 36 huy chương các loại trong đó có 11 HCV, 10 HCB, 15 HCĐ. Đứng thứ 3 là Nhật Bản với 31 huy chương các loại (5 HCV, 14 HCB, 12 HCĐ).

Sau khi quan sát các trận đấu tại Asian Games 19, các chuyên gia nhận định, nếu như các VĐV Trung Quốc vượt trội về thể lực thì các VĐV Nhật Bản lại gây ấn tượng về kỹ - chiến thuật. Dường như Nhật Bản đang xây dựng lối chơi đặc sắc riêng và họ đang lựa chọn được phương pháp, chiến thuật, kỹ thuật phù hợp với đặc trưng văn hóa, năng lực, thói quen của người Nhật Bản trong thi đấu.

Chính vì sự vượt trội của các đối thủ trong khu vực nên rất khó khăn cho Thể thao Việt Nam trong việc cạnh tranh huy chương. Đơn cử như môn Wushu đã từng mang về chiếc HCV cho Thể thao Việt Nam tại Asian Games 2014 nhưng đến kỳ Asian Games này, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta thiếu quá nhiều yếu tố để có thể trở thành các nhà vô địch Asian Games. Niềm hy vọng cuối của Wushu Việt Nam chính là nhà vô địch Asian Games 2014 Dương Thuý Vi, cô sẽ tranh tài vào ngày hôm nay và hy vọng Vi sẽ làm nên chuyện.

Với môn Thể dục dụng cụ, bà Phan Thuỳ Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho biết, ở nội dung đồng đội và toàn năng nữ, chủ nhà Trung Quốc hiện đang thống trị. Ở nội dung đồng đội nữ, dẫn đầu là Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Nội dung toàn năng, có tới 3 VĐV Trung Quốc dẫn đầu trong tốp 5 VĐV xuất sắc nhất. Thể dục Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương tại Đại hội, nhưng để đạt được mục tiêu này lại là chuyện không hề đơn giản. Thể dục dụng cụ đặt hy vọng vào Nguyễn Văn Khánh Phong, nội dung vòng treo trong những ngày thi đấu tới.

Hoặc như trường hợp của tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam. Hôm qua Lý Hoàng Nam không thể vượt qua hạt giống số 8 Hong Seong-chan của Hàn Quốc ở nội dung đơn nam, với tỉ số 0-2 (1-6, 4-6). Đây được xem là kết quả không bất ngờ bởi Lý Hoàng Nam đang đứng thứ 376 thế giới trên bảng ATP, kém Hong Seong-chan 181 bậc. Tennis là môn cá nhân nhà nghề nên các nước mạnh đều là các cường quốc đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nên Nam thua cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù trong mấy năm nay, Lý Hoàng Nam có thành tích tốt nhưng lại thiếu tính liên tục, ổn định. Bên cạnh đó việc đội tuyển Tennis Việt Nam không được tập luyện quanh năm suốt tháng cùng nhau như ở các nước mạnh cũng khiến cho họ thiếu ăn ý, nhịp nhàng trong lối chơi và đó là lý do để Lý Hoàng Nam và Nguyễn Văn Phương thua cặp hạt giống số ba Nam Ji-sung/Song Min-kyu của Hàn Quốc 4-6, 5-7, nội dung đôi nam.

Thế nên những tấm huy chương đoạt được tại các đấu trường châu lục đều rất đáng quý. Như với môn Rowing, các cô gái Việt Nam đã mang về tới 3 chiếc HCĐ, kết thúc một kỳ Đại hội thành công. Bởi nếu có mặt ở đường đua mới có thể thấy các đối thủ vượt trội hơn hẳn thể hình, thể lực so với các cô gái nhỏ bé của Việt Nam. Thế nhưng đội đua thuyền nữ 8 người, 4 người với sự kết hợp giữa hai thế hệ VĐV kỳ cựu và VĐV trẻ vẫn cố gắng bứt phá, vượt qua các đối thủ mạnh để về đích. Nhìn các cô gái bé nhỏ của đua thuyền Việt Nam nỗ lực đeo bám rồi bứt phá về đích trước các đối thủ cao, lớn hơn cả mà thấy khâm phục cho ý chí, nghị lực của họ. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như phải thi đấu ở nội dung thuyền hạng nặng nhưng đội Rowing nữ Việt Nam vẫn nỗ lực trong từng tay chèo để về đích với vị trí thứ 3 trong số các nước tham gia tranh tài tại Đại hội.

Hôm nay 27.9, Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài trong đó Bắn súng thi đấu ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ và 50m súng trường 3 tư thế nữ. Ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ, VĐV vừa giành vé dự Olympic 2024 Trịnh Thu Vinh sẽ tranh tài cùng 2 đồng đội. Hy vọng các cô gái Bắn súng Việt Nam sẽ làm nên chuyện. 

 THU SÂM (từ Hàng Châu, Trung Quốc)

Ý kiến bạn đọc