“Cờ vua Việt Nam rất có tiềm năng”
VHO - Đó là đánh giá của Siêu Đại kiện tướng quốc tế, kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm trong dịp trở về TP.HCM thi đấu tại Giải cờ vua KPNest 2024, giải đấu được xem như ngày hội lớn nhất trong năm của cờ vua Việt Nam.
Lê Quang Liêm từ lâu đã là biểu tượng và niềm tự hào của cờ vua Việt Nam. Khi nhắc đến cờ vua, người ta liền nghĩ ngay về cái tên Lê Quang Liêm. Kỳ thủ sinh năm 1991 từng vô địch cờ chớp thế giới 2013, vô địch cờ vua châu Á 2019 cùng rất nhiều giải đấu hàng đầu khác. Hiện anh là kỳ thủ duy nhất của Việt Nam nằm trong top 20 thế giới với thứ hạng 16 và đang là HLV trưởng đội tuyển cờ vua trường ĐH Webster - ngôi trường hàng đầu về cờ vua của Mỹ.
Để có được thành công và vị trí như ngày hôm nay, Quang Liêm đã trải qua hành trình dài với sự đam mê và nỗ lực không ngừng. “Liêm đến với cờ vua hết sức tình cờ. Năm lên 6 tuổi, anh trai hơn Liêm 2 tuổi tìm được cuốn sách dạy chơi cờ vua của ba, do ba mẹ Liêm lúc đó cũng bận đi làm nên không có thời gian chơi với Liêm, anh mới dạy Liêm để 2 anh em cùng chơi chung với nhau. Ban đầu 2 anh em tự chơi, tự mày mò chứ không có ai dạy. Được một thời gian mới đi thi giải cờ vua cấp trường, cấp quận, Liêm và anh trai mới được ba mẹ đưa đến học với các thầy cô ở trường Nghiệp vụ năng khiếu thành phố, sau đó mới bắt đầu quá trình thi đấu các giải quốc gia, quốc tế”, kỳ thủ 33 tuổi chia sẻ.
Với kinh nghiệm của mình, Quang Liêm đã có những lời khuyên cho các bạn trẻ hiểu được kinh nghiệm và sự nỗ lực để phát triển khả năng thi đấu cờ vua. Kỳ thủ số 1 Việt Nam bày tỏ: “Thích cờ vua thì cứ chơi trước, không cần đặt mục tiêu quá cao, ước mong là tốt nhưng ước mơ quá cao thì trừu tượng khó. Các bạn đam mê cờ nên đưa ra mục tiêu gần hơn, năm sau giành giải trường, ở quận, quốc gia, Đông Nam Á, châu Á rồi thế giới, chinh phục từng mục tiêu gần trước rồi hướng đến mục tiêu xa hơn. Bên cạnh đó, cần giải bài tập cờ vua hằng ngày, không cần bắt buộc là bao nhiêu phút. Khi làm bất cứ điều gì, kể cả chơi cờ vua, nếu làm theo niềm vui, sự yêu thích thì mọi khó khăn không quan trọng”.
Theo kỳ thủ sinh năm 1991, các bạn trẻ thích chơi cờ trước tiên phải đam mê, không cần đặt mục tiêu quá cao, không quan trọng thắng thua mà hãy quan trọng cả hành trình của mình. “Đừng để chuyện thắng thua trong thi đấu ảnh hưởng đến mình. Lúc mới tập, chúng ta sẽ thua nhiều hơn thắng, nhưng khi chơi lâu chúng ta sẽ có nhiều ván thắng hơn thua. Lời khuyên lớn nhất mà Liêm có thể đưa ra là mình đừng quá tập trung vào kết quả trước mắt. Chơi cờ vua phải có quá trình, không thể ngày một ngày hai. Nếu mình cảm giác thi đấu hôm nay tốt hơn hôm qua, thi đấu giải này tốt hơn trước thì mình đã có tiến bộ rồi, tiến bộ so với bản thân. Còn về khách quan, mình phải tự hỏi cần làm gì để tiến bộ. Điều đó, các bạn nhỏ cần phải nói chuyện với huấn luyện viên của mình để biết còn yếu cái gì, cần cải thiện ở đâu”, Quang Liêm chia sẻ.
Kỳ thủ số 1 Việt Nam cũng lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình. Quang Liêm kể: “Năm 2010, Liêm là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên đạt Elo 2.700. Nhưng tại Asian Games 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) Liêm thi đấu cực kỳ tệ khi chỉ có nửa điểm sau 5 ván. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra với Liêm trước đó. Sau giải đấu mình mất 25 Elo và cảm thấy rất sốc vì không hiểu sao chuyện đó lại xảy ra. Điều này khiến mình chán nản, không muốn nghiên cứu cờ nữa. Nhưng sau thời gian vài tuần, niềm đam mê cờ lớn hơn nỗi thất vọng vì thất bại đó, dẫn Liêm tới việc ngồi xuống nghiên cứu lại tại sao thất bại như thế, tại sao có những kết quả không mong muốn như vậy, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, phong trào cờ vua Việt Nam phát triển như hình tháp đứng, càng lên cao thì càng có ít đi các kỳ thủ theo nghiệp cờ. Về điều này, Quang Liêm nêu quan điểm: “Phải nói rằng cờ vua Việt Nam rất có tiềm năng. Chúng ta có những kỳ thủ trẻ tài năng, thường xuyên giành những thành tích nổi bật tại sân chơi khu vực, châu Á và thế giới. Nhưng chúng ta chưa phát triển như tiềm năng có sẵn. Bằng chứng là Việt Nam mới có 12 hay 13 Đại kiện tướng, bấy nhiêu là quá ít so với tiềm năng của chúng ta”.
Quang Liêm cũng lấy dẫn chứng từ Ấn Độ khi quốc gia này có sự phát triển thần tốc về cờ vua trong những năm qua. Ấn Độ đang sở hữu một lứa kỳ thủ vô cùng tài năng khi có đến 6 kỳ thủ có Elo 2.700 trở lên và hiện tại có Gukesh D, người mới 18 tuổi nhưng đang thách đấu tranh chức vô địch thế giới.
“Liêm hy vọng sẽ có thêm những chính sách thúc đẩy cờ vua ngày một phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Liêm cũng mong rằng trong tương lai, cờ vua có thể được đưa vào trường học như một môn học tự chọn để chúng ta có thể vừa phát triển phong trào, vừa tìm kiếm và đào tạo những tài năng để thi đấu quốc tế”, kỳ thủ hạng 16 thế giới bày tỏ.