Khuyến cáo công dân về nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga-Ukraine
VHO - Trước diễn biến xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ leo thang và lan rộng đến một số thành phố lớn của Ukraine, Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine cần sẵn sàng những phương án tốt nhất để giữ an toàn.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 21.11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam có cảnh báo gì đối với công dân Việt Nam ở Ukraine trước nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga-Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Trước diễn biến xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ leo thang và lan rộng đến một số thành phố lớn của Ukraine, Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ukraine cần sẵn sàng những phương án tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm.
Cộng đồng cần thường xuyên theo dõi những thông tin cảnh báo của sở tại, cũng như cảnh báo của Bộ Ngoại giao, trong đó có Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để phản ứng kịp thời, giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine.
Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Để nhận được hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, công dân có thể liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; +84 965 41 11 18.
*Trong những ngày qua, xung đột giữa Nga-Ukraine leo thang căng thẳng khi ngày 17.11 vừa qua (giờ địa phương), giới chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước này sản xuất để đánh sâu vào lòng lãnh thổ Nga.
Ngày 19.11, một quan chức Mỹ xác nhận rằng Kiev đã tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất. Ngày 20.11, một quan chức Anh tiếp tục xác nhận Kiev đã lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa Storm Shadow vào lãnh thổ Nga. Nga cáo buộc những động thái trên cho thấy rõ ràng phương Tây đang muốn leo thang xung đột tại Ukraine và khẳng định sẽ trừng phạt những nỗ lực ấy.
Ngày 19.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi giữa lúc xung đột leo thang.
Học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này được thiết kế để chống lại.
Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, văn kiện nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.
Nga cũng bảo lưu quyền xem xét đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước đe dọa chủ quyền của mình, việc phóng quy mô lớn máy bay, tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào lãnh thổ Nga, việc chúng vượt qua biên giới Nga hay một cuộc tấn công đồng minh Belarus.
Sáng 21.11, Không quân Ukraine tố Nga phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan ở phía nam nước này vào Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng khí tài có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột với Ukraine.