Chuyển đổi số doanh nghiệp bắt đầu từ văn hóa
VHO- Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhưng đồng thời, để chuyển đổi số thành công phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa doanh nghiệp, nhất là người lãnh đạo đứng đầu.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã, đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng với những nỗ lực của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã thể hiện được nhiều hiệu quả ưu việt. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3.6.2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
TS.Lê Văn Sơn chia sẻ về quản trị doanh nghiệp
Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số…
Theo TS. Lê Văn Sơn - chuyên gia chuyển đổi số, về bản chất, công nghệ cũng chỉ là một công cụ và bản thân việc áp dụng công nghệ chẳng thể đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Một công ty mà nhân viên không có tư duy số hóa, văn hóa không nuôi dưỡng sự đổi mới, thì không thể mong có một công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải nằm trong chính nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược kinh doanh lâu dài và kiên định.
Hiện thực hóa "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Chuyển đổi số doanh nghiệp phải bắt đầu từ văn hoá
Với chuyên đề “Văn hóa số trong doanh nghiệp SMEs” thuộc dự án đào tạo từ xa, TS Lê Văn Sơn - chuyên gia chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi từ văn hóa truyền thống sang văn hóa số? Quy trình xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp? Chân dung lãnh đạo trong thời đại số 4.0? Lực lượng lao động trong thời đại số cần đáp ứng yêu cầu gì?
Theo ông Sơn, với văn hóa số, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật như tư duy đột phá tạo ra nhiều ý tưởng mới, có khả năng tự thích ứng với thay đổi của tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến thành cơ hội mới, chia sẻ hợp tác với nội bộ và khách hàng,… giúp doanh nghiệp luôn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.
Các nội dung về văn hoá số được TS Lê Văn Sơn gói gọn trong 7 video đã nêu được điểm nhấn của chuyên đề xây dựng thương hiệu có thể kể đến ở nội dung “Xây dựng chân dung lãnh đạo số trong thời đại số”. Theo đó, người lãnh đạo đứng đầu phải “truyền lửa” đến tất cả nhân viên hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cũng phải là người đầu tiên tuyệt đối tuân thủ quy trình chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp để làm gương.
“Khi thế giới đang “chuyển mình” không ngừng nghỉ thì những người lãnh đạo cũng cần nhanh chóng thay đổi trong nhận thức, tư duy về chuyển đổi số để “chèo lái”, vươn tầm một cách toàn diện, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, TS. Lê Văn Sơn nhấn mạnh.
NGUYÊN KHANG