Trường Cao đẳng Truyền hình (Hà Nội): Đang bị biến thành “LÒ ĐÀO TẠO” xuất khẩu lao động?

VHO- Dù được đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác đào tạo sinh viên các chuyên ngành báo chí, truyền thông…, thế nhưng tại thời điểm này, hệ thống cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Truyền hình trực thuộc VTV đang có dấu hiệu bị sử dụng sai mục đích.

Trường Cao đẳng Truyền hình (Hà Nội): Đang bị biến thành “LÒ ĐÀO TẠO” xuất khẩu lao động? - Anh 1

 Khu nhà ăn của Trung tâm XKLĐ trong khuôn viên

Nhiều khu nhà và phòng học được nhà trường cho thuê làm nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của hàng ngàn học viên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản và giáo viên tiếng Nhật của Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Mai Linh…

“Nhật hóa” Trường Cao đẳng Truyền hình

Trường Cao đẳng Truyền hình là đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có địa chỉ tại thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội), với nhiệm vụ đào tạo cử nhân các hệ cao đẳng, trung cấp, liên thông các chuyên ngành báo chí truyền thông, kỹ thuật điện tử... Trên thực tế hoàn toàn không có chức năng, nhiệm vụ đào tạo tiếng Nhật và tổ chức cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hàng ngàn học viên theo học các khóa tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động lại đang được đào tạo, ăn ở, sinh hoạt tại các khu nhà hiện đại của trường.

Theo ghi nhận tại thời điểm này, 3 khu nhà 5 tầng với nhiều phòng học và trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của các sinh viên chuyên ngành báo chí, truyền thông, điện tử,… của Trường Cao đẳng Truyền hình đang được Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Mai Linh (Công ty Mai Linh) thuê để làm nơi sinh hoạt, dạy và học tiếng Nhật của giáo viên và hàng ngàn học viên đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Cùng với đó là một khu nhà ăn, căng tin cũng được cho thuê để phục vụ nhu cầu của học viên. Ngay tại tầng 1 của khu nhà dạy học tiếng Nhật là tấm biển quảng cáo về Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động của Công ty Mai Linh với nhiều hình ảnh và chữ viết bằng tiếng Nhật. Hầu hết các khu vực bên trong khuôn viên đào tạo của Công ty này đặt trong Trường Cao đẳng Truyền hình cũng đều được gắn biển bằng tiếng Nhật.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa vào chiều 7.6, một học viên của Trung tâm xuất khẩu lao động Công ty Mai Linh tên Nguyễn Thị H, quê Hà Tĩnh cho biết, cô đang theo học tiếng tại Trung tâm đào tạo của Công ty Mai Linh đặt tại Trường Cao đẳng Truyền hình. “Em trúng tuyển đơn hàng chế biến thực phẩm và phải học tại đây khoảng 6 tháng. Toàn bộ học viên trúng tuyển và học viên nguồn để thi đơn hàng đều ăn ở, sinh hoạt và học tập tại đây. Chúng em học tại các phòng từ tầng 3 của khu nhà 5 tầng. Tầng 1 và tầng 2 là dành cho giáo viên. Sinh hoạt ở các phòng trong khu ký túc xá bên cạnh. Ăn uống tại nhà ăn trong khu vực này luôn…”, học viên Nguyễn Thị H nói.

Trường Cao đẳng Truyền hình (Hà Nội): Đang bị biến thành “LÒ ĐÀO TẠO” xuất khẩu lao động? - Anh 2

 Một tòa nhà chức năng của trường đã biến thành KTX của học viên tiếng Nhật

Không cung cấp thông tin và trao đổi với báo chí

Qua tìm hiểu được biết có khá nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng Truyền hình vẫn đang phải thuê trọ tại các nhà dân ở thị trấn Thường Tín với mức chi phí khá cao để theo học, trong khi hàng loạt các khu nhà và cơ sở vật chất được đầu tư phục vụ dạy học cho sinh viên lại đang được lãnh đạo nhà trường cho Công ty Mai Linh thuê làm nơi đào tạo và khu ký túc xá sinh hoạt của hàng ngàn học viên, gây nhiều bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các sinh viên.

Được biết, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Truyền hình có kế hoạch tuyển sinh 545 chỉ tiêu. Trong đó hệ cao đẳng là 245 chỉ tiêu và trung cấp là 300 chỉ tiêu với các ngành nghề báo chí, quay phim, công nghệ kỹ thuật điện tử… Thế nhưng, liệu rằng các tân sinh viên trúng tuyển trong kỳ thi sắp tới có được hưởng đầy đủ quyền lợi về học tập và nội trú không khi mà cơ sở vật chất của nhà trường đang được cho thuê để thu lợi từ nhiều năm nay? Trước thực trạng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Trường Cao đẳng Truyền hình đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích để cho đơn vị bên ngoài thuê, sau nhiều ngày ghi nhận thông tin và các hình ảnh tại trường, và để có được thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Văn hóa đã nhiều lần liên hệ để đặt lịch làm việc với ông Trần Phúc Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Truyền hình.

Thế nhưng, ông Trung luôn lấy lý do bận và tìm cách từ chối, không làm việc với phóng viên. Ngày 6.6, phóng viên Văn Hóa tiếp tục đến Trường Cao đẳng Truyền hình để liên hệ làm việc. Tuy nhiên cũng không gặp được ông Trung. Gọi điện thoại thì vị lãnh đạo này không nghe máy. Câu hỏi được đặt ra là, việc lãnh đạo Trường Cao đẳng Truyền hình cho Công ty Mai Linh thuê khu nhà và cơ sở vật chất để làm địa điểm đào tạo và ăn ở, sinh hoạt của hàng ngàn học viên, giáo viên đang gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên thì có đúng với quy định và chức năng, nhiệm vụ được VTV giao?

Có điều gì uẩn khúc trong sự việc này mà ông Trần Phúc Trung, Hiệu trưởng nhà trường lại không thể gặp phóng viên và công khai thông tin? Và trước sự việc tồn tại đã nhiều năm nay thì lãnh đạo VTV có nắm được thông tin? 

 QUỐC HÙNG – QUANG LONG

Ý kiến bạn đọc