Giữ vốn quý của cha ông

VHO- Hơn 20 năm qua, ông Danh Nghe ở ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang luôn “tranh thủ” dịp hè để dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc ở địa phương. Đó cũng là cách để ông cùng nhiều thế hệ con em đồng bào Khmer gìn giữ vốn quý của cha ông.

Giữ vốn quý của cha ông - Anh 1

 Ông Danh Nghe dạy chữ Khmer cho học sinh tại điểm chùa Cỏ Khía Cũ

Năm nào cũng vậy, khi các em học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè thì ông Danh Nghe lại tất bật chuẩn bị cho việc dạy chữ Khmer tại điểm chùa Cỏ Khía Cũ. Ông phối hợp với nhà chùa kiểm tra lại cơ sở vật chất, phòng học, bàn ghế, chuẩn bị sách vở, xem lại bài giảng để chuẩn bị dạy chữ Khmer cho các em trong ấp. Với ông Nghe, chùa Cỏ Khía Cũ cũng như ngôi nhà thứ 2, nơi ông không chỉ gắn bó tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là nơi ông được gặp gỡ, truyền dạy chữ viết Khmer trong nhiều năm qua.

Ông Danh Nghe tâm sự: “Tôi bắt đầu giảng dạy chữ Khmer từ năm 1999. Lúc đầu, do mình biết ngôn ngữ Khmer nên phối hợp nhà chùa dạy cho mấy đứa nhỏ ở ấp. Rồi mỗi năm dạy, mình thấy gắn bó, yêu thích công việc này hơn nên dù không được hỗ trợ gì nhưng hè nào tôi cũng giảng dạy. Trước đây, việc dạy chữ Khmer gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá đi lại, còn bây giờ thì cải thiện nhiều rồi. Mình giúp con em đồng bào mình không quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc, biết về văn hóa của đồng bào để giữ gìn và phát triển hơn nữa. Sau này, đó là những người sẽ tiếp nối giữ gìn, truyền tải vốn quý của dân tộc”.

Tính đến nay, ông Danh Nghe đã có 20 năm tham gia dạy chữ Khmer ở chùa Cỏ Khía Cũ. Trong suốt quá trình đó, ông cũng đã tham gia công tác ở ấp với nhiều vai trò như Chi hội Nông dân, rồi Chi hội trưởng Cựu chiến binh và hiện tại là Trưởng Ban công tác Mặt trận của ấp Hòa Lễ. “Nhìn thấy các cháu biết đọc, biết viết chữ mẹ đẻ là tôi rất vui, mãn nguyện. Và hạnh phúc hơn nữa khi có những học sinh đã từng theo học chữ Khmer đã biết sử dụng được ngôn ngữ dân tộc trong công việc hay ứng dụng có ích trong cuộc sống”, ông Nghe chia sẻ.

Mặc dù những năm gần đây, con em đồng bào theo học chữ Khmer không còn đông như trước, nhưng với tâm huyết của mình, ông Danh Nghe vẫn chăm chỉ, tận tụy thực hiện công việc và dành tình yêu cho ngôn ngữ dân tộc. 

 UYÊN PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc