Làm mới để khách quốc tế mở “hầu bao”

VHO- Khác với nhận định của nhiều người về chi tiêu bình quân của du khách quốc tế khi du lịch ở Việt Nam, không phải khách Mỹ, châu Âu, Australia hay khách Nhật, mà theo Niên giám thống kê 2022 của Tổng cục Thống kê, khách Philippines mới có mức chi tiêu cao nhất khi du lịch Việt Nam với 2.257,8 USD/người.

Làm mới để khách quốc tế mở “hầu bao” - Anh 1

 Sau dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao

 Đây chính là gợi mở để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có đánh giá và đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng thị trường để khách quốc tế mở hầu bao.

Khách quốc tế có mức chi tiêu trung bình 1.151,7 USD

Sau Philippines, khách tới từ Bỉ chi tiêu bình quân là 1.995,3 USD; Mỹ 1.709,7 USD; Australia 1.416,5 USD... Đây là những thị trường khách quốc tế nằm trong top 10 chi tiêu nhiều nhất của du lịch Việt Nam. Bất ngờ hơn khi những thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam nhưng lại có chi tiêu bình quân thấp nhất tính trên một lượt khách đó là Nhật Bản 972,5 USD; Malaysia 900,7 USD; Trung Quốc 884,3 USD... Trong đó, khách Lào có chi tiêu bình quân thấp nhất với chỉ 343,5 USD/người. Tính chung, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 1.141,5 USD năm 2017 lên 1.151,7 USD năm 2019.

Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022, khách quốc tế đã dần tăng trưởng trở lại. Năm 2022, cả nước đón và phục vụ gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 23,3 lần so với năm trước, nhưng chỉ bằng khoảng 20% của năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 650.000 tỉ đồng. 7 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã đón hơn 6,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, để thu hút khách quốc tế và khiến du khách chi tiêu nhiều hơn, lưu trú lâu hơn ở Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp liên tục tổ chức các hoạt động du lịch và sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong đó, Đà Nẵng tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023 - Wow Đà Nẵng. Các chuyến bay quốc tế từ những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… đến Khánh Hòa cũng duy trì ổn định. Tỉnh Khánh Hòa hợp tác tích cực với các địa phương của Hàn Quốc mở đường bay thẳng, miễn visa tới tỉnh Jeollanam-do cho khách Việt Nam. Vì thế, lượng khách trao đổi giữa 2 bên tăng rõ rệt. Các công ty du lịch triển khai nhiều chương trình mới lạ, đặc sắc để thu hút khách.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH lữ hành quốc tế Tictours cho biết: “Du khách quốc tế tới từ châu Âu, Mỹ, đặc biệt là khách tàu biển rất ưa thích tham quan các vùng quê ở xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghề…; khách Hàn Quốc thì rất thích đến Khánh Hòa đánh golf... Vì thế, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú, vận chuyển ở Khánh Hòa đã phối hợp xây dựng các tour du lịch chuyên biệt, hấp dẫn để đánh vào các thị trường ngách, cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của khách”.

Chú trọng hơn đến nhu cầu của khách

Sau dịch Covid-19, nhu cầu và phương thức du lịch thay đổi, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cũng như các địa phương cần làm mới mình để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần. Sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế. Ví như, khách du lịch hạng sang tới Việt Nam sau dịch Covid-19 tìm kiếm nhiều giá trị ý nghĩa và kết nối hơn, thay vì chỉ nghỉ dưỡng trong một biệt thự bãi biển biệt lập có quản gia riêng, du ngoạn trên một chiếc du thuyền hay thưởng thức những bữa tiệc fine-dining đắt tiền.

Mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế tới Việt Nam hằng năm tăng chậm, phần lớn chi tiêu dành cho các dịch vụ ăn uống, đi lại, lưu trú. Bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu thuê phòng nhiều nhất với 346,2 USD, ăn uống 251,9 USD, đi lại 184,6 USD, tham quan 103,2 USD, mua sắm hàng hóa 142,7 USD. Trong khi chi phí y tế khoảng 13,1 USD, các chi phí khác 109 USD. Đa số các doanh nghiệp du lịch đều nhận xét rằng, khách du lịch Việt Nam hay quốc tế đều không ngại chi tiền khi đi du lịch, quan trọng là giá trị mà họ nhận về sau mỗi chuyến đi có xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra hay không.

Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững cũng chỉ rõ: Sản phẩm du lịch của Việt Nam thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương. Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương. Hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo,... còn thiếu, chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Do vậy, Chính phủ giao Bộ VHTTDL phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Bộ VHTTDL cũng được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, tăng cường quảng bá văn hóa, hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam trong các hoạt động về ngoại giao, sự kiện quốc tế. Phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, biển, đảo; xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”. 

VŨ AN

 

Ý kiến bạn đọc