Rộn ràng giỗ tổ nghề gốm làng Thanh Hà - Hội An
VHO - Các bô lão, nghệ nhân cùng hàng trăm người dân làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã cùng về Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu tham gia lễ giổ tổ nghề gốm, nguyện cầu tổ nghề độ trì bình an, cầu quốc thái dân an, đời sống sung túc, ấm no.
Giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà diễn ra vào sáng nay 25.8
Sáng ngày 25.8 (nhằm ngày mùng 10 tháng 7 Âm lịch), người dân làng gốm Nam Diêu và UBND phường Thanh Hà (TP.Hội An) tổ chức lễ giỗ tổ nghề gốm.
Đây là lễ lệ thường niên được người làng gốm Thanh Hà tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng 7 Âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ tổ nghề, tri ân công đức tiền nhân đã khai thiên lập địa dựng làng, lập nghề, truyền nghề, làm nên một làng nghề có bề dày lịch sử 500 năm. Đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân chia sẻ, truyền lại cho thế hệ trẻ của làng về nguồn cội, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề của cha ông.
Từ sáng sớm dân làng đã rước kiệu nghinh thần về tại miếu tổ Nam Diêu
Từ sáng sớm, các bô lão, nghệ nhân, người làng trong trang phục chỉnh tề nghinh kiệu rước lễ Tổ nghề về lăng tổ nghề gốm tại khối Nam Diêu.
Phần tế lễ được những bậc cao niên, các hộ sản xuất gốm thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền với các phần như xướng tế, hành tế, phân hiến Đông-Tây, cổ nhạc, độc chúc,…
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, trường tồn theo năm tháng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tổ miếu Nam Diêu vẫn tồn tại nguyên vẹn như một hiện thân về giá trị di tích lịch sử văn hóa vật thể vô giá của bao thế hệ người thợ gốm Nam Diêu.
Nghệ nhân trình diễn nghề
Những năm gần đây, bên cạnh phần lễ giổ tổ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống, TP Hội An cũng đầu tư vào tổ chức phần hội với nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn như Festival gốm; Thi chuốt gốm; Giao lưu với các làng gốm truyền thống trong nước,…Thông qua đó góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề truyền thống với du khách, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập để người dân yên tâm gắn bó với làng nghề, ý thức bảo tồn, phát huy nghề gốm truyền thống, gắn liền với việc đào tạo nghề cho thế hệ trẻ.
Nặn tò he
Từ năm 2001, TP Hội An đã tổ chức khai thác tuyến tham quan du lịch tại làng gốm Thanh Hà. Thời điểm ấy, cả làng nghề chỉ còn tám cơ sở với 24 lao động hoạt động, trở thành hạt nhân trong công tác bảo tồn và phát triển của làng nghề.
Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch giai đoạn.
Các công đoạn sản xuất gốm vẫn theo truyền thống
Làng gốm Thanh Hà hiện là một trong những điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan khi du lịch tại Hội An. Từ đầu năm đến nay, làng đón hơn 600 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước. Làng nghề được du khách ưa thích vì không gian cảnh quan, kiến trúc vẫn giữ nguyên nét truyền thống của một ngôi làng ở miền Trung Việt Nam. Các công đoạn, quy trình sản xuất gốm vẫn giữ nguyên kỹ thuật sản xuất truyền thống từ trước đến nay.
Làng gốm Nam Diêu-Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII do một số thợ thủ công Thanh Hóa, Nghệ An vào dựng làng ở Thanh Hà, mang theo nghề gốm. Làng nghề hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam. Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu cùng nhiều thiết chế tín ngưỡng, làng xã, nghề nghiệp cũng được những thợ gốm Nam Diêu xây dựng vào thời kì này để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của cư dân làng gốm Nam Diêu Thanh Hà.
THU HOÀI