Nữ nghệ nhân dân tộc quảng bá thổ cẩm đến bạn bè quốc tế
VHO-Từ Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Hoa Tiến Brocade), nghệ nhân trẻ dân tộc Thái Sầm Thị Tình gìn giữ và nâng tầm, đưa sản phẩm có mặt trong nước và trên thế giới, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Thái ra cộng đồng và tạo sinh kế cho lao động nữ tại địa phương.
Đau đáu gìn giữ dệt thổ cẩm truyền thống
Sầm Thị Tình sinh ra và lớn lên ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Một bản người Thái với nét văn hóa thổ cẩm rất độc đáo. Tình yêu thổ cẩm của nữ nghệ nhân đã được nuôi dưỡng từ "chiếc nôi" giàu truyền thống văn hóa đó. Tốt nghiệp Cao đẳng Truyền hình, không theo nghề đã chọn, cô gái trẻ trở về quê hương và khởi nghiệp từ chính nghề dệt thổ cẩm, một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái trên quê hương mình. Sầm Thị Tình chia sẻ: Nhiều bạn trẻ không tiếp nối nghề đã rời quê hương, người làm nghề chủ yếu là các mế đã luống tuổi trong bản. Mong ước đau đáu lớn nhất của mình là nghề thổ cẩm của địa phương được mọi người biết đến nhiều hơn nữa, để có thể tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Ngoài ra, nếu làng nghề phát triển ổn định sẽ góp phần giữ được con em ở quê để bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống.
Sầm Thị Tình trưng bày sản phẩm ở Malaysia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được chỉ dạy từ người mẹ là nghệ nhân trong bản, Sầm Thị Tình đã sớm quen với khung dệt để tạo nên những tấm vải thổ cẩm mang hoa văn đặc trưng của người Thái tại bản Hoa Tiến. Năm 2016, Sầm Thị Tình bắt đầu khởi nghiệp, sản phẩm đầu tiên là những chiếc ví cầm tay, khăn choàng, những đôi dép, khăn trải bàn, thú nhồi bông... mang bản sắc thổ cẩm thêu độc đáo đều được làm thủ công. Trăn trở với sự phát triển của nghề truyền thống, nữ nghệ nhân đã dành nhiều tâm huyết để đưa hoa văn và kỹ thuật nhuộm, dệt vải thổ cẩm của dân tộc mình thành những sản phẩm thời trang thủ công mỹ nghệ sáng tạo, độc đáo. Sầm Thị Tình luôn cố gắng tìm cho mình lối đi riêng, những sản phẩm thổ cẩm vừa giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, nhưng vừa hiện đại, tinh tế theo nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi, năm 2018, Sầm Thị Tình được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dệt vải thổ cẩm.
Nữ nghệ nhân chủ động tham gia các hội chợ, các chương trình kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm quê hương mình
Chia sẻ về chặng đường gìn giữ, phát triển nghề dệt, nghệ nhân Sầm Thị Tình chia sẻ: “Trong quá trình khởi nghiệp bằng con đường thổ cẩm, mang sản phẩm đặc thù của quê hương ra thị trường, tôi đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm thổ cẩm. Bản thân tôi gặp không ít những khó khăn. Tôi còn nhớ năm 2016, nhận được lời mời của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên đưa sản phẩm đi trưng bày giời thiệu tại Cần Thơ trong ba ngày, tôi gặp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Nhưng phần đa tôi nhận được từ khách hàng phản hồi là thổ cẩm không hợp với họ. Nhưng sau đó tôi đã khắc phục sản phẩm của mình. Tôi chịu khó đi học hỏi tìm hiểu thị trường, đi giới thiệu nhiều hơn với các cùng miền khác nhau".
Lan tỏa tình yêu thổ cẩm đến với cộng đồng
Nghệ nhân Sầm Thị Tình luôn tìm tòi làm thế nào để đưa thổ cẩm truyền thống của quê hương tiếp cận với nhiều thị trường, tạo đầu ra bền vững cũng như duy trì thu nhập ổn định cho bà con. Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, không thụ động chờ đợi du khách đến mua thổ cẩm như trước đây, nữ nghệ nhân mạnh dạn quảng bá các sản phẩm trên các nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok, các sàn thương mại điện tử… Mỗi lần nhuộm vải hay thêu dệt, cô đều tranh thủ livestream để giới thiệu sản phẩm. Đây được xem là bước đột phá mới trong việc đưa sản phẩm thổ cẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng, sức tiêu thụ của sản phẩm cũng dần dần tăng lên so với thời điểm chưa áp dụng phương thức bán hàng mới. Đặc biệt, khi có các hội chợ kết nối cung cầu, các triển lãm về thổ cẩm, trang phục đồng bào các dân tộc, Sầm Thị Tình đều chủ động xin tham gia, đưa các sản phẩm của thổ cẩm Hoa Tiến giới thiệu tại những buổi triển lãm ở nước ngoài. Những sản phẩm độc đáo đã thuyết phục được khách hàng khó tính là một nhà thiết kế người Úc, chuyên tìm sản phẩm thổ cẩm của Việt Nam để thiết kế cho những bộ trang phục hiện đại tìm đến hợp tác xã để đặt mua hàng.
Nữ nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình giới thiệu dệt thổ cẩm cho khách du lịch
Nhờ chủ động thích nghi với thời đại công nghệ số, những sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến dần dần có mặt tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế như Đức, Pháp, Malaysia, Tây Ban Nha, Lào… Ngoài ra, cô còn mở một cửa hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên tại Hà Nội nhằm quảng bá sâu rộng nghề thổ cẩm truyền thống địa phương cho những du khách có nhu cầu khám phá.
Hiện nay, Hợp tác xã Hoa Tiến Brocade do nghệ nhân Sầm Thị Bình điều hành có hơn 20 thành viên cùng tham gia vào sản xuất thổ cẩm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cũng như lao động thời vụ cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Tại Hợp tác xã, tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân, bà con dân tộc Thái trong bản. Từ ươm tơ, xe sợi, dệt lụa, thậm chí nhuộm vải, các công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Nữ nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình đam mê với nghề thổ cẩm truyền thống
Nói về nữ nghệ nhân, ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến chia sẻ: Sầm Thị Tình đã góp phần công sức lớn trong việc kêu gọi các thành viên là đồng bào dân tộc Thái cùng làm việc, đồng thời tạo sinh kế cho đồng bào, làm giàu cho bản làng, quê hương và đưa các sản phẩm của đồng bào mình vươn xa ra thế giới. Bên cạnh giới thiệu các sản phẩm, mỗi năm, Tình đều dẫn các đoàn khách trong và ngoài nước trở về bản Hoa Tiến để trải nghiệm dệt thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực cũng như tham quan vẻ đẹp quê hương. Điều này đã giúp cho vùng đất Châu Tiến ngày càng được biết đến, sức hút về du lịch trải nghiệm được nâng cao. Sầm Thị Tình là một trong 23 gương sáng điển hình được tham dự trong Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng” do Ủy ban Dân tộc và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức. Sầm Thị Tình xứng đáng với danh hiệu nghệ nhân trẻ tiêu biểu.
PHẠM NGÂN