Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao

VHO - Đã 26 năm dạy học ở các xã vùng cao huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cô giáo Phạm Thị Thơm (46 tuổi) hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận xa gia đình, con cái để dạy dỗ, chăm sóc và chắp cánh ước mơ cho học trò vươn xa.

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 1

Điểm trường ở tổ Đèo Ải, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ 

Đường lên tổ Đèo Ải, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ xa tít tắp, chìm trong màn mưa đầu đông. Anh tài xế giàu kinh nghiệm đi đường đèo dốc phải thừa nhận đây là một trong những tuyến đường hiểm trở nhất anh từng đi với những đoạn dốc cheo leo, nhỏ hẹp.
Hành trình của cô giáo Thơm bắt đầu từ xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ để đến Đèo Ải phải qua quãng đường khoảng 40km, trong đó có nhiều chặng là đồi núi, dốc đứng rất khó đi. Đến nay, cô Thơm đã có 26 năm dạy học ở các xã vùng cao huyện Ba Tơ, cô gắn bó lâu nhất với xã Ba Trang và đã đi khắp các điểm trường lẻ như Cây Muối, Gò Đen, Bùi Hui…

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 2

Cô Thơm đã có 26 năm dạy học ở các xã vùng cao huyện Ba Tơ

Theo quy định, cô Thơm sẽ được luân phiên về điểm chính, thuận lợi hơn, nhưng ngược lại, cô giáo người đồng bào Hrê này lại xung phong gắn bó với điểm đèo Ải tận 4 năm. Ngần ấy thời gian, đủ để cô tường tận những con đường mòn, lối đi tắt để băng rừng, vượt suối đi đến trường và thân quen từng căn nhà sàn trong tổ.
Cô Thơm cho hay, đến Đèo Ải có 2 hướng, nếu từ trung tâm xã Ba Trang đi tiếp thì tầm 17km đường núi, hoặc phải vượt chặng đường hơn 40km, dùng ghe đi qua hồ Liệt Sơn. Mới mưa ít nên đường còn đi được, vài bữa mưa nhiều, sạt lở là chịu, nước suối dâng cao, bao vây khắp nơi. Ở đèo Ải lớp học do cô đảm nhiệm chỉ có vỏn vẹn 9 học sinh, gồm cả lớp 1 và lớp 2. Những học sinh từ lớp 3 trở lên đều được chuyển ra trung tâm xã để học ở điểm chính.
“Nơi này heo hút, không điện, không sóng điện thoại nên chỉ có thể dạy học thủ công, mô phỏng. Các em cũng không được học mẫu giáo nên thời gian đứng lớp mình giành nhiều thời gian hơn để dạy các em đọc, viết, làm toán. Các môn còn lại cũng phải sắp xếp truyền đạt để các em để sau này ra điểm chính còn theo kịp chương trình. Mừng là các em đều đi học rất đầy đủ và chăm chỉ”, cô Thơm bộc bạch.

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 3

Cô Thơm chỉ dạy từng nét chữ cho học trò

Dù rất ít học sinh, nhưng cô Thơm vẫn phải chia đôi bảng đen và phân nhóm để giảng dạy. Lớp 1 học tiếng Việt thì lớp 2 học toán, giao bài cho lớp 1 thì chuyển sang dạy cho lớp 2. Cứ thế, trong lớp học nhỏ nơi xóm núi, tiếng cô vang lên trước, tiếng trẻ con ê a đọc theo nhịp nhàng theo sau. 
Cô Thơm chia sẻ, đường núi hiểm nguy, mùa nắng, dăm bữa cô Thơm lại về nhà. Còn mùa mưa, khi nước suối dâng cao, chặn hết các ngả đường, cô Thơm đành phải ở lại. Mỗi lần đến đèo Ải là cô mang theo gạo, xuống đây rồi kiếm thức ăn từ hái rau rừng, giăng lưới bắt cá hoặc nhặt ốc ven suối. Bà con thương nên cũng giúp đỡ, chia sẻ nhiều.

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 4

Nơi cư ngụ của cô Thơm ở đèo Ải là căn phòng ở ngay bên lớp học

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 5

Ở đây không điện, không sóng internet

Nơi cư ngụ của cô Thơm ở đèo Ải là căn phòng ở ngay bên lớp học với những vật dụng chính là chiếc ghế bố xập xệ, dăm đôi bát đũa cùng vài chiếc nồi. Ngoài giờ đứng lớp, cô Thơm lại mở điện thoại ra xem, không phải đọc báo, xem phim hay dùng mạng xã hội, mà là nhìn hình con, cháu cho đỡ nhớ. “Ở đây điện còn không có nói chi đến wifi, internet! Mùa nắng còn dùng điện từ pin mặt trời, buổi tối sáng được vài tiếng. Còn mùa mưa đành chịu, hôm nào có chút nắng thì cũng đủ để thắp sáng dăm phút. Trong xóm không dùng được điện thoại, vào đây là đứt hết liên lạc. Có việc gì cần thông báo cho phụ huynh thì phải đến tận nhà. Muốn có sóng phải chạy tít lên núi ở bên kia, mà cũng chập chờn lúc có lúc không”, cô Thơm tâm sự.

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 6

Những em học sinh đồng bào Hrê

Anh Phạm Văn Huê ở đèo Ải có 2 con, đứa lớp 3, đứa lớp 8 đang theo học ở điểm chính ở trung tâm xã. Đầu tuần anh chở con băng rừng đến lớp, cuối tuần đưa về. Đường dốc đá ghê lắm, chở rớt con có khi không biết, còn ngã trầy hết tay chân là thường. “Xóm này hơn 20 hộ dân là người đồng bào Hrê, đại đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Cô Thơm gắn bó ở đây lâu rồi, nhờ sự nhiệt tình của cô mà bọn trẻ ở đây biết được con chữ, phép tính. Xóm này khó khăn nên bà con và mấy đứa nhỏ thiệt thòi nhiều lắm”, anh Huê nói.

Anh Huê trăn trở: “Bà con ở đây rất muốn cho bọn nhỏ được học thành tài, nhưng điều kiện còn khó khăn nhiều quá nên chủ yếu học đến hết lớp 9 rồi nghỉ, hiếm hoi lắm mới có người học đại học. Anh cũng ráng cho con ăn học đến nơi đến chốn như các địa phương khác. Con mới lớp 3, còn nhỏ quá mà phải xa cha mẹ ở lại nội trú, nghĩ thương lắm nhưng đành chấp nhận. Chỉ mong nhà nước quan tâm hơn đến điện, đường cho bà con. Thời trước vì khó khăn quá, mình đã không được ăn học đàng hoàng rồi”.

Cô giáo thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi rẻo cao - Anh 7

Cô Thơm nhiệt tình với nghề, góp sức đưa con chữ về với trẻ em vùng cao

Theo Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Ba Trang Nguyễn Minh Hải, đèo Ải là điểm xa và khó đi nhất trong số 6 điểm lẻ ở xã Ba Trang. “Cô Thơm là người đồng bào, hiểu biết về tiếng nói, phong tục tập quán của bà con và nhiệt tình với nghề, góp sức đưa con chữ về với bà con. Mang được con chữ đến những vùng sâu, vùng xa rất vất vả. Nếu giáo viên không chịu khó chịu khổ và có tinh thần trách nhiệm cao thì việc nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng này rất khó khăn. Cũng đã có người vừa về được vài hôm, không chịu nổi cảnh đường xa vất vả đã bỏ cuộc”, thầy Hải nói.
Hàng ngày, những giáo viên nơi rẻo cao như cô Thơm vẫn nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, với cô giáo Thơm, mọi sự cố gắng của cô là cơ hội mở ra chân trời kiến thức mới. Cô Thơm vẫn kiên định trên hành trình “gieo chữ trên non”, bởi trên hành trình ấy luôn có một thứ ánh sáng, đó là ánh sáng trong ánh mắt với lòng tin về một tương lai tương sáng cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc