Những người khuyết tật khoác “áo mới” cho rác thải
VHO - Ở vườn tái chế NNC của bà Nguyễn Thị Thanh Nga, những người khuyết tật được thoải sức sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo của mình. Họ cảm thấy được tiếp thêm động lực sống, bớt tự ti với những khuyết tật mà mình đang mang. Và đặc biệt, công việc của họ góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, tái chế những vật dụng đã bỏ đi.
Cuộc đời “thứ 2” cho rác thải
Vườn tái chế NNC nằm ở thôn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 20km về phía Tây Nam. Đây không những là mái ấm cưu mang những mảnh đời bất hạnh, mà còn là nơi để họ thoải sức sáng tạo với rác thải, những thứ đã bỏ đi thành những sản phẩm độc đáo. Vườn rộng khoảng 2000m2, trong đó có hai khu khiến nhiều người thích thú là khu tái chế rác thải nhựa và cơ sở dệt may từ vải vụn.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành khu tái chế rác thải, bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho rằng, bắt nguồn từ việc nhận thấy số lượng bì ny lông, hộp đựng đồ ăn làm từ xốp, nhựa tăng lên trong mùa dịch vừa qua, bà đã nghĩ đến việc tạo nên “cuộc đời thứ 2” cho các vật liệu trên. “Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thấy lượng rác thải từ các hộp xốp, bao bì nilon, muỗng nhựa được vứt ra môi trường, tôi tự hỏi liệu có cách nào để tận dụng số phế liệu trên hay không. Từ đó, tôi và các thành viên cùng suy nghĩ cũng như hình thành nên vườn tái chế NNC – nơi phế thải được tái sinh để mang lại giá trị sử dụng mới trong cuộc sống” bà Nga nói.
Khu vườn tái chế của người khuyết tật ở thôn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn
Nói là làm, bà Nga cùng những thành viên trong hội bắt đầu tập trung số phế liệu có được, sau đó phân ra từng loại rác thải và bắt đầu lên những ý tưởng cho những sản phẩm mới. Đối với những vật liệu rác thải là giấy carton, các thành viên lên ý tưởng về những chiếc xe độc, lạ. Trong khi đó, với vải vụn thì được để riêng và được đưa vào “cơ sở may” để hình thành những bộ áo quần độc lạ, hoặc chỉ đơn thuần là những tấm thảm lau nhà hay túi xách. Vườn tái chế cũng được trang trí hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, như dãy chuông gió tự chế bằng 500 vỏ chai nhựa, những bình hoa, bồn cây cảnh làm từ vỏ thùng nhựa hoặc lốp xe cũ.
Dẫn chúng tôi vào khu tái chế vải vụn, bà Nga cho biết: Trước đây, tôi cũng từng học nghề may mặc, do đó khi thu gom những vải vụn bỏ đi từ các tiệm may về, bà lên mạng tìm hiểu thêm về một số sản phẩm và sau đó cắt may theo. “Hiện nay ở cơ sở, các em nữ thường được hướng dẫn để tạo ra những sản phẩm may mặc độc đáo từ vải thừa, đặc biệt nhất là chiếc áo dài Việt Nam. Còn các bạn nam thì đam mê hơn với những mô hình về xe, tàu thuyền và dàn trống. Mọi việc bắt đầu thì có vẻ hơi khó, đòi hỏi mỗi người phải có sự tỉ mỉ, sự sáng tạo thì mới làm ra được những sản phẩm đẹp. Tuy nhiên, khi đã quen tay thì các sản phảm làm ra ngày càng sắc sảo và đa dạng hơn.
Nơi thoải mái sáng tạo
Anh Phan Huỳnh Anh Toan (33 tuổi, quê thị xã An Nhơn), bị tật hai chân từ nhỏ. Khoảng 10 năm trước, anh thi đổ vào ngành Công nghệ thông tin ở một trường tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ học xong năm nhất, anh bỏ giữa chừng phần vì mặc cảm, phần vì sợ làm gánh nặng của gia đình. Sau đó, anh được đưa đến sống tại mái ấm chung dành cho người khuyết tật do bà Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ vườn tái chế đang giới thiệu một số sản phẩm làm từ vải vụn
“Kể từ khi có vườn tái chế, mình rất thích thú khi chế tạo những sản phẩm từ các vật liệu bỏ đi. Ban đầu, mình thấy khó vì chưa biết phải làm như thế nào. Sau đó, mình lên mạng xem những mô hình người khác làm và bắt đầu cắt giấy làm theo. Sau này, mình có những ý tưởng mới và làm ra những đồ vật theo ý mình thích. Ở đây, mình cảm thấy được thoải mái sáng tạo, làm những điều mình thích, nên bớt tự ti về bản thân hơn. Ngoài ra, mình còn có những người bạn có hoàn cảnh giống mình, nên có thể chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống” anh Toan chia sẻ và chỉ tay vào dàn trống đang làm dỡ cho hay, phải tỉ mỉ từng chút thì sản phẩm mình làm mới đẹp được, nếu không, phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhìn thì có vẻ như dễ, nhưng để làm được một đồ vật ưng ý thì cũng mất nhiều thời gian và phải có sự đam mê.
Tại khu vực dành cho việc tái chế vải vụn, chị Trần Thị Hồng (24 tuổi) vừa đưa tay may túi xách, vừa trò chuyện vui nói: Giờ tôi đã thành thạo việc may vá và tạo ra những sản phẩm đáp ứng việc mua làm quà lưu niệm của du khách. Ngoài việc may túi, may quần áo từ vải vụn, tôi còn thường xuyên tìm hiểu để ngày càng có những sản phẩm bắt mắt hơn.
Những sản phẩm độc đáo được người khuyết tật làm từ giấy vụn
“Ở đây chúng tôi được học may từ cô giáo, sau đó tự mình tìm kiếm và sáng tạo ra một số sản phẩm mình thích. Sau khi chọn lựa những sản phẩm mình làm ra, nếu có những vật dụng đẹp thì mình sẽ làm nhiều hơn. Hơn hết, ở đây mọi người không còn tự ti về bản thân nữa, vì có những người cùng hoàn cảnh sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ với nhau. Tôi mong muốn sau này sẽ có nhiều sản phẩm đẹp hơn, có giá trị sử dụng hơn được làm từ phế liệu” chị Hồng tâm sự.
Nói về không gian ở vườn tái chế NNC, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (chủ vườn tái chế NNC) bày tỏ: “Chúng tôi muốn truyền cảm hứng đến mọi người rằng, khi nghĩ đến rác thải là nghĩ ngay đến sản phẩm đẹp, thông qua đó cùng nhau bảo vệ môi trường xanh. Chúng tôi muốn bắt đầu từ hành động nhỏ nhất, đơn giản nhất và hy vọng vườn tái chế sẽ là nơi để mọi người trải nghiệm không gian xanh đúng nghĩa. Bên cạnh đó, thông điệp chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người là dù rằng cơ thể có khuyết tật nhưng vẫn muốn làm việc ý nghĩa cho cuộc sống này”.
PHAN HIẾU