Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch: Cần hành động ngay!
VHO- Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, tới vẻ đẹp cảnh quan cũng như sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Hoạt động thu gom RTN sẽ góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Đó là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Lễ khởi động Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 16.2 tại Hà Nội.
Gây phản cảm cho du khách
Sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có RTN. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là RTN. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, đến năm 2019, trung bình mỗi ngày một du khách thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon, 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng một lần khác như bàn chải, lược, dao cạo râu, nilon chụp tóc… Tổng lượng phát sinh RTN của khách du lịch là 116.144 tấn/năm; trong đó, khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở khách quốc tế là 55.296 tấn/năm, khách nội địa là 60.848 tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 số lượng rác thải này tăng lên tương ứng là 336.400 tấn/năm.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho biết, nguồn phát sinh RTN có ở mọi loại hình du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch. Sự tăng trưởng cao của lượng khách sẽ khiến lượng xả thải càng lớn, trong đó có RTN. Sự tồn tại của RTN làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho du khách. Từ đó làm giảm chất lượng hoặc mất đi các sản phẩm du lịch biển đảo, suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương. Do đó, trong lĩnh vực du lịch, cần phải xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu RTN, tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại các khu, điểm du lịch.
Góp phần trong nỗ lực này, “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” là một dự án được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển LHQ và các đối tác thực hiện nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Dự án được triển khai từ tháng 1.2023 đến tháng 6.2024, tại một số xã thuộc tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình.
Nhiều mô hình hiệu quả
Tại Lễ khởi động Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 16.2 tại Hà Nội, các đại biểu, địa phương, doanh nghiệp đã đưa ra những mô hình giảm thiểu RTN một cách thành công và được du khách ghi nhận. Đến từ Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho hay, tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện phong trào “Chống RTN” với mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể; các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tác hại của RTN, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và không thải bỏ chất thải nhựa bừa bãi ngoài môi trường. Hiện nay phong trào đã được thực hiện ở Đầm Vân Long và khu du lịch Tràng An, bước đầu thu được những hiệu quả tích cực.
Chia sẻ về mô hình ở Quảng Nam, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam thông tin: Chúng tôi nói không với rác thải nhựa từ năm 2009, bắt đầu từ hoạt động không sử dụng bao nilon chai nhựa tại xã đảo Cù Lao Chàm. Năm 2021, chúng tôi triển khai chương trình du lịch xanh, trong đó tập chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, làm thế nào để phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường dựa trên các nguyên tắc phát triển văn hóa ở địa phương. “Chúng tôi nhân rộng mô hình không RTN tại Cù Lao Chàm tới các khu điểm du lịch ở thành phố Hội An và các địa phương trong tỉnh. Sau một năm thực hiện các chương trình du lịch xanh, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động chủ yếu vẫn là tuyên truyền, khuyến khích, chưa có chế tài xử phạt. Tôi hy vọng từ dự án này sẽ có chế tài đánh vào lợi ích của chủ thể tham gia hoạt động du lịch, để họ có thể thay đổi hành vi của mình”, ông Sơn nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Cty TNHH Kẻ Gỗ trăn trở, đã có rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu, doanh thu trong nước chỉ chiếm 10-15%. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá thành của sản phẩm thân thiện với môi trường cao, nhưng thực tế không phải vậy, mà vì chúng ta đã quen với các sản phẩm nhựa dùng một lần giá rẻ. Do đó cần phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp du lịch để việc thực hiện dự án một cách hiệu quả, thành công hơn.
Các địa phương cần có hoạt động quản lý điểm đến, đặc biệt là quản lý về môi trường để làm sao không bị động. Chúng ta cần có phương án để cân đối hài hòa giữa hoạt động du lịch với đảm bảo cảnh quan môi trường, đáp ứng sự kỳ vọng của khách du lịch. (Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) |
QUỲNH HOA