Nhiều nghiên cứu mới về văn hóa, nghệ thuật Nam Bộ
VHO - Tại Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ do Trường ĐH Tây Đô phối hợp cùng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức tại TP Cần Thơ đã công bố nhiều nghiên cứu quan trọng, có tính phát hiện.
Di vật về nền văn hóa Óc Eo
GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, sự kiện là cơ hội để những thế hệ tiếp nối tập trung nghiên cứu những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động và chiến đấu một thời mà người xưa đã để lại.
PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, chuyên gia và nhà quản lý có cơ hội trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về bốn lĩnh vực quan trọng, mối quan hệ tương hỗ của chúng với nhau và với xã hội, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới của đất nước và hội nhập quốc tế. “Đây có lẽ là Hội thảo liên lĩnh vực đầu tiên không những chỉ ở Tây Nam Bộ mà còn trên phạm vi toàn quốc mà chủ đề được hướng đến là chuỗi các vấn đề khoa học xã hội nhân văn về Văn hóa học, Ngôn ngữ học và Dân tộc học”, ông Nguyễn Lân Trung cho biết.
Theo các học giả, Nam Bộ tuy có lịch sử ngắn hơn so với lịch sử nước Việt, nhưng những thành tựu chiến lược của vùng đất này rất to lớn và không thể phủ nhận. Đây không chỉ là vùng đất giữ vị trí quan trọng về mặt kinh tế - xã hội trong cả nước, mà trên bình diện văn hóa - lịch sử, vùng đất này đã để lại những thành quả truyền thống tốt đẹp, khó mờ phai… Đó là những di sản văn hóa tín ngưỡng, âm nhạc cổ truyền được thể hiện đậm nét bằng dấu ấn ngôn ngữ của người phương Nam và những nét văn hóa đặc thù. Một truyền thống đậm chất thực tiễn, lấy thực tiễn xây dựng cơ sở lý luận.
Âm nhạc cổ truyền được thể hiện đậm nét bằng dấu ấn ngôn ngữ của người phương Nam và những nét văn hóa đặc thù. Trong ảnh: Nghệ thuật Đờn ca tài tử
TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh, Nam Bộ là một vùng đất có lịch sử lâu dài và liên tục, được phản ánh không chỉ qua ghi chép mà còn qua các nền văn hóa khảo cổ. Đó là văn hóa Đồng Nai thời tiền sử, văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, sau đó là những dấu tích giai đoạn muộn của văn hóa này khi Phù Nam sụp đổ. “Nam Bộ đa dạng về tộc người và văn hóa, được minh chứng qua thành tựu của khảo cổ học. Do vậy, Nam Bộ không “mới” như định kiến xưa nay. Nhìn nhận điều này là cơ sở đầu tiên để có thể hiểu biết sâu sắc về văn hóa Nam Bộ, tránh cái nhìn giản đơn, phiến diện, lối mòn; tránh việc áp đặt những giá trị không mang tính truyền thống lên vùng đất này”, TS Hậu nêu quan điểm.
Trong phần trình bày chủ đề 300 năm tri thức bản địa và sự hình thành văn hóa sông nước, học giả Chung Hoàng Chương, Trường ĐH San Francisco Hoa Kỳ nêu ra một số yếu tố đa văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện qua những phương pháp, kỹ thuật, tập tục của các nhóm cư dân đến từ những vùng khác nhau. Đồng thời, học giả đề xuất mô hình liên kết khoa học với kiến thức bản địa trong nỗ lực bảo tồn một nền văn hóa độc đáo.
Theo TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ các nghiên cứu được chia sẻ tại diễn đàn, có thể gợi mở nhiều hướng phát triển mới, trong đó có thể nghiên cứu xây dựng bảo tàng có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí… khu vực Nam Bộ để góp phần phát triển du lịch. “Các nghiên cứu phi vật thể sẽ có cơ hội chuyển thành giá trị vật thể, có thể thể hiện trong thực tế của vùng văn hóa miền sông nước”, ông Dũng mong muốn .
THÙY TRANG