Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: Để người làm văn hóa tự tin, vững bước và có thêm động lực sáng tạo
VHO - Với những người dành cả đời cho công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc, thì những lời động viên, gửi gắm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Thư chúc mừng ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Đối với lực lượng văn nghệ sĩ, khi được trọng dụng, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thì họ sẽ tự tin vững bước và có thêm động lực lao động, sáng tạo.
Lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa tới đội ngũ lãnh đạo địa phương
Văn hóa là động lực cho sự phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội. Trước nay chúng ta vẫn thường nói rằng văn hóa quan trọng, tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo và đúng tầm. Thậm chí, trong nhận thức của nhiều người, văn hóa thường diễn giải theo chiều hướng “cờ đèn kèn trống…”, như một loại hình chỉ để minh họa cho các lĩnh vực khác.
Do đó, theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức - nhận thức về vai trò, giá trị của văn hóa. Tôi thật sự vui mừng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bức thư với những động viên chân tình, ghi nhận đóng góp của đội ngũ làm công tác văn hóa, đặc biệt là khẳng định lại vai trò của văn hóa trong xã hội hiện đại. Điều này có ý nghĩa rất lớn lao, nhất là trong xã hội ngày nay, khi quá trình hội nhập quốc tế phần nào đã làm cho văn hóa truyền thống mất đi, thì vấn đề bảo tồn và nâng tầm văn hóa lên để giữ gìn hồn cốt của dân tộc, để dân tộc phát triển nhưng đồng thời giữ được bản sắc là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Thật vậy, vấn đề tư duy nhận thức rất quan trọng, thông điệp của Tổng Bí thư chắc chắn sẽ lan tỏa và có tầm ảnh hưởng đến tất cả bộ máy của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… đặc biệt là cấp lãnh đạo địa phương. Thật ra, chủ trương của Trung ương bao lâu nay đã là như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, thế nhưng thời gian qua vấn đề nhìn nhận này chưa được đúng tầm. Vì thế, sự khẳng định lại một lần nữa của vị lãnh đạo đất nước sẽ là động lực, sức mạnh để các cấp, các ngành, các cá nhân trong ngành Văn hóa làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong sứ mệnh xây dựng văn hóa dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh… Khi lãnh đạo địa phương nhận thức đúng hơn tầm quan trọng của văn hóa, của đội ngũ làm công tác văn hóa thì họ sẽ có cách cùng ngành Văn hóa phát triển, coi văn hóa như động lực, thấm sâu vào từng sinh hoạt, thực hành, ứng xử… và các cơ chế, chính sách liên quan để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.
Trong thư, Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng những người làm công tác văn hóa cần luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam… Điều này rất đúng, và tôi cho rằng văn nghệ sĩ muốn phát triển, cống hiến thì ba yếu tố quan trọng đó là phải có tài năng, được trọng dụng và được tạo điều kiện về mặt vật chất.
(GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)
Tạo nên sự kích thích, là động lực để văn hóa tiếp tục vận hành, phát triển
“Chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…”, tôi nghĩ rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đi thông điệp kêu gọi sự đồng hành, đoàn kết, nỗ lực không chỉ cho riêng ngành Văn hóa, của riêng đội ngũ những người làm công tác văn hóa mà còn gửi đến tất cả các ngành, các giới, đặc biệt là hệ thống chính trị. Thông điệp của Tổng Bí thư đã tạo nên sự kích thích, là động lực để văn hóa tiếp tục vận hành, phát triển. Khi Văn hóa được nhìn nhận ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội thì đất nước mới phát triển toàn diện.
Tổng Bí thư cũng cho rằng: “Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt”, điều này cho thấy Tổng Bí thư đã ghi nhận, khẳng định thành tựu, kết quả của ngành Văn hóa và nhất là sự đóng góp của đội ngũ những người làm văn hóa qua bao thế hệ. Thế nhưng trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập và với sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, những người làm văn hóa cần phải biết chung tay, đồng lòng để đối diện thách thức, hướng đến mục tiêu chung là chấn hưng văn hóa, xây dựng con người, đất nước phồn vinh.
(GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)
Luôn nghĩ và làm những điều tốt đẹp, góp phần mang lại lợi ích cho quê hương
Tôi rất hạnh phúc vì sau 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp sức vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của người Chăm, tôi đã được dự Lễ tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức. Và càng ý nghĩa hơn khi tại đây, tôi và các đại biểu đã được nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đọc bức thư của Tổng Bí thư nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành.
Với tôi, đây là bức thư đầy ấm áp, có ý nghĩa như một lời hiệu triệu, thúc giục những người đang công tác trong lĩnh vực văn hóa làm tốt hơn nhiệm vụ của mình để giữ gìn hồn cốt dân tộc. Bản thân tôi rất thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư và sẽ luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để góp phần phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Từ lời căn dặn của Tổng Bí thư, tôi thấy mình cần phải thực hiện tốt hai việc: Thứ nhất, trong cuộc sống hằng ngày, tôi sẽ luôn nghĩ và làm những điều tốt đẹp, góp phần mang lại lợi ích cho quê hương, cho đất nước; Thứ hai, trong công việc, tôi sẽ luôn tìm tòi, đi sâu đi sát vào đời sống của nhân dân để nắm bắt thực tế, từ đó hình thành nguồn cảm hứng và tìm giải pháp để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Chăm nói riêng và cả nước nói chung mãi trường tồn cùng thời gian.
(Ông Thanh Pháp, Phó trưởng phòng phụ trách phòng nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận)
THÙY TRANG - THU SÂM (thực hiện)