Khánh Hòa: Thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quan tâm, đầu tư đồng bộ
VHO - Sau bài viết Khánh Hòa: Sinh hoạt tổ dân phố ở hè đường đăng trên Văn Hóa ra ngày 16.2, ông Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Sở VHTT cho biết: Đúng là có tình trạng đó, Nhiều công viên, khu vui chơi, trung tâm văn hóa - thể thao tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ và hoàn thiện đã ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí, sinh hoạt, luyện tập thể thao của nhân dân trong khu đô thị.
Thiết chế văn hóa, thể thao ở các Khu đô thị Khánh Hòa chưa được quan tâm, đầu tư đồng bộ
Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết, theo quy định hiện hành của Bộ VHTTDL, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện quy định về thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22.12.2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Thông tư 14/2016/TT-BVHTTDL ngày 21.12.2016 quy định tiêu chí Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường, thị trấn; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8.3.2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn; Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30.5.2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL và Thông tư số 06/2011/TTBVHTTDL.
Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19.5.2021 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng thì tại điểm 2.3.3 quy định về hệ thống công trình dịch vụ - công cộng cấp đơn vị ở quy định thiết chế văn hóa, thể thao gồm có: sân chơi, sân tập luyện, Ttung tâm Văn hóa – Thể thao. Trong đó chỉ tiêu sử dụng đất cho lĩnh vực văn hóa, thể thao phải đảm bảo tối thiểu: sân chơi 0,5 m2/ người; sân tập luyện thể thao 0,5 m2/ người (0,3 ha/công trình); Trung tâm Văn hóa – Thể thao có diện tích 5.000 m2. Trong thời gian đến, Sở VHTT sẽ làm việc cụ thể với Sở Xây dựng về quy định nêu trên khi quy hoạch và triển khai các dự án khu đô thị nhằm đảm bảo đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao trong khu đô thị để đảm bảo và đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt, luyện tập thể thao của nhân dân trong khu đô thị.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 8/8 Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện (trừ huyện Trường Sa); Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã là 91/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 67%); số thôn, tổ dân phố Nhà văn hóa là 593/968 thôn, tổ dân phố (đạt tỷ lệ 61,2%). Ngoài ra, còn có các thiết chế văn hóa, thể thao do Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý như: Nhà thiếu nhi, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm Văn hóa - Thể thao công nhân Khu công nghiệp Suối Dầu, Nhà Thể thao đa năng,… Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng từ công tác xã hội hóa: 5 cơ sở chiếu phim, 1 nhà hát, 1 bảo tàng tư nhân.
Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được định hình và khá ổn định, phát huy được các công năng sử dụng, đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ chính trị, nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân; tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động khác để nhân dân trên địa bàn tham gia. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm, bồi dưỡng năng khiếu được thực hiện thông qua các loại hình biểu diễn ca múa nhạc, hội thi, hội diễn, liên hoan, thể dục thể thao ..., tạo sân chơi nghệ thuật lành mạnh, thu hút quần chúng nhân dân tham gia; góp phần định hướng phát triển các loại hình văn hóa lành mạnh, rèn luyện thể chất cho nhân dân. Hầu hết các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã xây dựng quy chế quản lý và hoạt động, đáp ứng việc triển khai có hiêụ quả công tác tuyên truyền, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa..., giữ gìn và phát huy những truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động, chưa thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia. Một số nơi cơ sở vật chất bị xuống cấp, trang thiết bị hoạt động thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Cán bộ làm công tác quản lý thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp phần nào ảnh hưởng đến tổ chức các hoạt động. Kinh phí nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế, cùng với hoạt động xã hội hóa còn thấp nên gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Đề án sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã với Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã (đang ở bước xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương).
Trước tốc độ phát triển như hiện nay và nhu cầu thụ hưởng văn hóa, luyện tập thể thao ngày càng cao và nâng cao về chất lượng của nhân dân đòi hỏi việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đầy đủ, đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cần có cơ chế, chính sách cụ thể đối với các thiết chế.
XUÂN HƯỚNG