Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào thiểu số ở Bình Định

VHO - Tỉnh Bình Định có 3 dân tộc thiếu số chủ yếu gồm: Bana, Chăm H’roi, H’rê, sinh sống ở 6 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Thời gian qua, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi ở tỉnh Bình Định luôn chú trọng gìn giữ, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào thiểu số ở Bình Định - Anh 1

Trống đôi của người Chăm H’roi được lớp trẻ đam mê gìn giữ, bảo tồn

Không những vậy, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh gắn với du lịch cộng đồng.

Người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có rất nhiều lễ hội như: Cầu mưa, Ăn heo ký, Cúng thần làng, Mừng về nhà mới. Điểm chung của các lễ hội này luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi với nhau. Với người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, lễ Mừng về nhà mới là một nghi lễ thường xuyên và quan trọng. Tùy theo sự no đủ, thuận lợi trong công việc mà người dân tổ chức lễ và khấn cầu bình an, suôn sẽ trong mọi việc.

Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào thiểu số ở Bình Định - Anh 2

Du khách tham quan, tìm hiểu nhà sàn mẫu của đồng bào H’rê

Khi tiếng cồng chiêng vang lên, cũng là lúc người có uy tín, thầy cúng và cộng đồng hỗ trợ đôi vợ chồng anh Đinh Văn Lịch (người đồng bào Chăm H’roi) thực hiện lễ Mừng về nhà mới. Thầy cúng và già làng uy tín, đại diện cho gia chủ trình các lễ vật lên thần linh gồm: một con gà trống biểu hiện cho sự bền bỉ, dẻo dai trước cuộc sống, 2 ché rượu cần để cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, công việc làm ăn suôn sẻ, mọi người đều khỏe mạnh… Kết thúc nghi thức Mừng về nhà mới, anh Lịch chia sẻ: Lễ Mừng về nhà mới của người Chăm H’roi không được thiếu cây nêu đặt trước nhà. Cây nêu phải vươn cao, tạo thành đôi cánh chim Ktang - loài chim biểu hiện cho sự yên bình của người Chăm H’roi. Đặc biệt, trong ngày hội, tất cả mọi người đều mặc trang phục thổ cẩm. Khi vào phần hội, tiếng cồng chiêng vang lên, mọi người cùng thưởng thức rượu cần và hòa nhịp vào điệu múa xoang của đồng bào vùng cao.

Với đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, lễ đón thần lúa về làng khi bà con bắt đầu vào mùa thu hoạch rất quan trọng. Theo tập tục truyền thống, trước khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy, từng gia đình và làng tiến hành tổ chức lễ đón thần lúa về làng. Đây là dịp báo cho các vị thần, sau một năm lao động vất vả nay đã đến mùa thu hoạch. Lễ vật dâng các thần là con heo, con gà và nhiều ché rượu cần cùng cốm mới, cơm mới, mời các vị thần đến tham gia cùng gia đình, với làng để ăn cốm mới, uống rượu cần và cùng vui chơi đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát với dân làng.

Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào thiểu số ở Bình Định - Anh 3

Lễ cúng cầu may của đồng bào Bana huyện Phù Cát

Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Vĩnh Thạnh cho hay, trải qua bao thăng trầm, lễ đón thần lúa về làng của người Bana vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mừng được mùa rẫy thì bà con gọi là đón thần lúa về làng, bà con mở hội để ăn mừng. Về lễ hội của bà con, chúng ta cần xây dựng lại để thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những truyền thống của đồng bào Bana Vĩnh Thạnh. Hơn hết, rất mong có đầu tư nhiều hơn về hoạt động này để góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào địa phương. Đồng thời, du lịch cộng đồng rất cần gắn với văn hóa truyền thống mỗi vùng miền để có đặc sắc riêng phục vụ văn hóa, du lịch.

Trong thời gian qua, ngành văn hóa thể thao tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh. Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 16 đã diễn ra trong năm nay, là dịp để đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’rê giao lưu văn hóa, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em. Ngoài ra, ngày hội còn góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa đặc sắc, phong phú độc đáo của các dân tộc anh em.

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh. Đồng thời, thí điểm phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Để phát huy được du lịch của tỉnh và đặc biệt mang bản sắc, sắc thái của dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Định, chúng tôi tổ chức ở một số điểm mà có truyền thống như Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh.. để thu hút khách du lịch. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như các hoạt động sản xuất mang tính truyền thống của bà con dân tộc của các làng”, ông Chánh cho biết thêm.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc