Đồng bào Cơ tu nỗ lực trao truyền điệu hát lý: Gìn giữ thanh âm của núi rừng

VHO - Lớp học hát lý cho bà con người Cơ tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí (huyện Hòa Vang) được tổ chức tại nhà Gươl thôn Tà Lang vào những dịp cuối tuần. Thầy giáo là những “cây đại thụ” người Cơ tu, như già làng Bùi Văn Siêng, già làng Đinh Hồng Khanh, già làng Hà Văn Tám... Học viên phần lớn đang trong độ tuổi trên dưới 30.

Đồng bào Cơ tu nỗ lực trao truyền điệu hát lý: Gìn giữ thanh âm của núi rừng - Anh 1

 Các già làng truyền giảng kiến thức về hát lý, nói lý

 Từ cuối năm 2023, những lớp học hát lý được mở ra, ngoài mục đích giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Cơ tu còn hướng đến thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang, nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng tại địa phương. Từ sự chỉ dạy của những già làng, người dân bắt đầu hiểu và tập hát những điệu lý đặc trưng của dân tộc mình, từ đó hướng tới biểu diễn phục vụ du khách trong những sự kiện, lễ hội.

Theo già làng Bùi Văn Siêng, nói lý, hát lý được người đồng bào Cơ tu đề cao trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Loại hình này được dùng để đối đáp, thử tài nhau giữa các bậc cao niên hoặc giữa chủ nhà với khách trong các sự kiện, lễ Tết, cưới hỏi, ma chay. Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền, lễ Mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề hay các hoạt động du lịch, hát lý được cất lên trong không gian sinh hoạt chung tại nhà Gươl, hòa nhịp cùng “vũ điệu dâng trời” Tung tung da dá và tiếng cồng chiêng, tiếng trống ngân nga, dìu dặt của đồng bào.

Trong những dịp kể trên, nếu hai bên chỉ đối đáp, nói chuyện bình thường thì bên còn lại sẽ nghĩ “đối phương không coi trọng mình”, từ đó mà sinh ra hát lý, nói lý để thử tài nhau. Điểm đặc trưng của hát lý, nói lý là sử dụng hình ảnh này để ẩn dụ, ví von với hình ảnh kia. Trong mỗi câu hát bao hàm những ý nghĩa sâu xa để đối phương giải nghĩa. Người nói lý, hát lý giỏi là người biết kết hợp hình ảnh, nội dung, giai điệu phù hợp để đối đáp khéo léo. Vì sự độc đáo đó mà điệu lý Cơ tu xứ Quảng được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Đồng bào Cơ tu nỗ lực trao truyền điệu hát lý: Gìn giữ thanh âm của núi rừng - Anh 2

 Huyện Hòa Vang đưa bản sắc văn hóa truyền thống vào phục vụ du lịch

Để ví dụ cụ thể hơn, trước mặt học viên hoặc du khách, những vị già làng cất cao lời hát có hình ảnh mặt trời soi sáng, có thông điệp cầu trời đất cho bản làng mạnh khỏe, nhắn nhủ đồng bào vui sống thuận hòa cũng như tin tưởng vào đường lối và chủ trương của Đảng, Nhà nước. Già làng được bà con tin tưởng chọn làm ông mai, đại diện cho con cháu trong làng đi hỏi cưới. Sau khi ông mai mang trầu, cau, rượu… đến trình già làng nơi nhà gái, già làng đồng ý, thông gia nhận lễ thì hai bên ngồi lại ăn uống và hát lý. Lúc này, lời hát lý xoay quanh việc “thỏa thuận” sính lễ: Bao nhiêu con lợn, bao nhiêu rượu là hợp lý với điều kiện đôi bên? Đặc biệt, ông mai đòi hỏi phải có tửu lượng tốt, ứng xử chuẩn mực và tỉnh táo để đáp lại lời hát lý.

“Hồi xưa cứ tới Tết là nam nữ hát lý, đối đáp với nhau, thổ lộ tâm tình trong buổi hẹn hò bên tiếng đàn H’roa. Hình ảnh đó giờ đã hiếm hơn khi mà ai cũng có chiếc điện thoại thông minh, có mạng xã hội. Bản thân tôi lúc trẻ ngồi rót rượu cho già làng, nghe người đi trước hát lý mà dần thuộc rồi tập hát theo”, già Khanh nói.

Địa bàn thôn Tà Lang và Giàn Bí bây giờ toàn là người lớn tuổi. Thế hệ đi trước như già Siêng, già Khanh luôn suy nghĩ về sự kế thừa và phát huy hát lý, nói lý trong đời sống dân tộc. Điều lo lắng nhất là đến một ngày thế hệ này rời cõi tạm, văn hóa có thể nhạt mờ. Tuy nhiên, vẫn có sự tin tưởng rằng hát lý, nói lý không bị mai một. Đầu tiên là tín hiệu vui từ chủ trương thành lập CLB về nói lý và hát lý của huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc trong năm 2024. Tiếp đó là sự hưởng ứng từ thế hệ sau, hiện lớp học có khoảng 20 học viên. Số học viên chưa nhiều, phần vì có người bận công việc, người lo đồng áng, người lên rừng… và thế hệ trẻ dưới 30 tuổi ở địa phương chưa thực sự quan tâm đến lớp học. Với những học viên hiện tại, họ học từ từ, từng bước một, từ đoạn ngắn rồi thành bài dài. Nói như lời già Siêng là “ngấm như rượu”.

Anh Phan Văn Thu (46 tuổi, thôn Tà Lang) được lớp bầu là “học sinh xuất sắc” với sự tiến bộ từng ngày chia sẻ: “Chỉ có thể chăm chỉ mới theo được hát lý, nói lý. Điều mình thấy khó nhất ở loại hình này là cách dùng từ ẩn dụ. Tuy nhiên, mọi người luôn nhắc nhở nhau phải có ý thức giữ gìn di sản của đồng bào”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh, nói lý và hát lý mang đặc thù nghệ thuật truyền miệng. Người hát ứng khẩu đối đáp theo hoàn cảnh và tư duy hiểu biết của bản thân. Những nội dung đều là tùy hứng. Do đó, chưa có một bài hát lý, nói lý nào được lưu lại cụ thể. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ những già làng, người am hiểu về nói lý và hát lý ghi chép lại những câu hát và phiên âm sang tiếng Việt. Các bản ghi chép trên sẽ được sưu tầm, lưu trữ và truyền dạy để không bị mai một. 

 NGỌC LINH

Ý kiến bạn đọc