Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Nỗ lực, sáng tạo để tạo sức lan tỏa

VHO- Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó đề cao tính gương mẫu, duy trì nề nếp, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thời gian qua, các hình thức tuyên truyền về bộ Quy tắc ứng xử đã được TP Hà Nội triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, đưa yếu tố văn hóa vào công tác tuyên truyền đã được TP tích cực triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Nỗ lực, sáng tạo để tạo sức lan tỏa - Anh 1

 Nhờ nhiều nỗ lực tuyên truyền, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến hiệu quả

Nhiều hình thức sáng tạo

Theo Trưởng phòng VH&TT quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, để triển khai thực hiện tốt các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân với hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, các hình thức thông tin cổ động trực quan, tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh, Fanpage, nhóm Zalo, xây dựng phóng sự, phát tài liệu, tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thi, hội diễn… luôn được quận chú trọng.

Quận đã thực hiện niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 100% các di tích và lễ hội, nhà văn hóa tổ dân phố, trung tâm văn hóa, thể thao. Quận cũng tổ chức hội nghị tọa đàm nói chuyện chuyên đề về Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở tất cả 13/13 phường. Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử, quận đã tổ chức hội thi Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng quận Bắc Từ Liêm, với sự tham gia của các đoàn viên thuộc 12 phường trên địa bàn. Đây là lực lượng tuyên truyền viên tích cực trong triển khai thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hội thi đã trở thành dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân. “Qua hội thi, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt hơn nữa Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội, nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử để từ đó có những hành động đúng đắn”, bà Phan Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Tại huyện Ứng Hòa, công tác niêm yết Quy tắc ứng xử đã được triển khai từ năm 2017 đến nay và vẫn tiếp tục được duy trì. Toàn huyện đã in khoảng 280 pano đóng khung treo tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các thôn, làng, tổ dân phố, nơi công cộng, điểm di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện. Huyện cũng in, phát gần 17 nghìn tờ rơi; triển khai tọa đàm về Quy tắc ứng xử nơi công cộng tới 100% các thôn, tổ dân phố với sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Với Mỹ Đức, huyện đã có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, các mô hình đã được triển khai tại 70 thôn, tổ dân phố và tiếp tục nhân rộng trên toàn huyện. Đặc biệt, mô hình xây dựng trường học thân thiện; nói lời hay, làm việc tốt; học sinh, giáo viên tham gia xây dựng cảnh quan môi trường được triển khai điểm tại Trường THCS Phù Lưu Tế.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Nỗ lực, sáng tạo để tạo sức lan tỏa - Anh 2

 Người dân Thủ đô chung tay xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

Đưa yếu tố văn hóa vào để tránh khô cứng

Bà Phan Thị Thanh Huyền cho biết thêm, nhờ đưa yếu tố văn hóa vào công tác tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bộ Quy tắc ứng xử đã đi sâu vào đời sống nhân dân, trở thành nề nếp, thói quen trong cuộc sống. Đặc biệt, chính văn hóa đã giúp những nội dung trong Quy tắc ứng xử không còn là những câu chữ văn bản khô cứng mà đã trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện và có sức lan tỏa lớn trong nhân dân.

Đối với huyện Ứng Hòa, đại diện huyện cho hay, việc lồng ghép yếu tố văn hóa, đa dạng các hình thức tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của du khách khi đến với di tích. Cũng nhờ sự sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, nhân dân toàn huyện đã đồng thuận cao trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và đông đảo người dân, toàn huyện đã có 80 mô hình nhà văn hóa tự quản. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đồng thời là địa điểm để bà con tìm hiểu, thực hành các quy định về ứng xử nơi công cộng.

Nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của bộ Quy tắc ứng xử, Sở VHTT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, bên cạnh việc tuyên truyền những điều hay, cách ứng xử đẹp thì sẽ mạnh dạn phê bình thói hư, tật xấu trong ứng xử nơi công cộng để lên án những hành vi phản văn hóa; thuyết phục và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đặc biệt, HSSV sẽ là những đối tượng được hướng đến thường xuyên trong các hoạt động tuyên truyền, nhằm tạo lập thế hệ tương lai có ý thức thực hiện tốt các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Có thể nói, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các hình thức tuyên truyền đã góp phần giúp nhiều mô hình được nhân rộng, triển khai thực hiện, tạo nên những bước chuyển biến tích cực trong thói quen sinh hoạt của người dân. Phần đông người dân đều cảm thấy việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng và những kế hoạch, chương trình triển khai đi kèm là thật sự cần thiết. Chính bộ Quy tắc ứng xử đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong các khu dân cư; tạo động lực trong xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô. 

ĐÌNH TOÁN

 

Ý kiến bạn đọc