Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đứng thứ 2 cả nước
VHO - Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%). Đó là thông tin tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 ngày 12.12.
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển” Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch; Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 19,25%. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động; tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%; doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%.
Đặc biệt, năm 2024 thu ngân sách Nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ...
Cùng với đó các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định; các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời; sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, báo cáo cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, song tỷ trọng khách lưu trú thấp; tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt;…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, trên cơ sở bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với 25 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: 12 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, 3 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về an ninh trật tự; trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên.
Báo cáo cũng đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện trong năm 2025. Đơn cử như, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã ban hành; các nội dung chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trọng tâm là thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chất lượng nguồn nhân lực; tập trung xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống thuộc lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao bảng xếp hạng các chỉ số: PCI, PAPI, Par Index, SIPAS. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, như: vốn, đất đai, công nghệ.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được xác định là nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cùng với đó là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.