Nông thôn mới tỏa sáng trên vùng quê Thọ Xuân “địa linh, nhân kiệt“

NGUYỄN LINH

VHO - Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương đạt huyện Nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Nông thôn mới tỏa sáng trên vùng quê Thọ Xuân “địa linh, nhân kiệt“ - ảnh 1
Diện mạo nông thôn mới nâng cao trên vùng quê địa linh, nhân kiệt - Thọ Xuân

Phong trào xây dựng huyện NTM nâng cao như luồng gió mát lành mang lại những đổi thay mạnh mẽ ở khắp các làng quê của huyện Thọ Xuân. Đâylà huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm nhanh và bền vững, còn 2,56%; Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, y tế, giáo dục được chăm lo; Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; Trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định; Diện mạo nông thôn đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Về với thôn Phúc Thượng xã Nam Giang, 1 trong 26 thôn nông thôn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Thọ Xuân, chúng tôi được chứng kiến diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc, cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn khởi của Nhân dân khi địa phương mới được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 

Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Đình Nam, một người dân xã Xuân Hòa phấn khởi: “Tất cả nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo cho địa phương cơ sở hạ tầng cơ bản, đồng bộ, tạo kế sinh nhai; NTM đã thay đổi cách nghĩ cách làm kinh tế cho người dân và đã tạo ra sự thay đổi toàn diện cho làng quê chúng tôi”.

Còn bà Lê Thị Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Thượng, xã Nam Giang (Thọ Xuân), cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, ngoài kinh phí của nhà nước, xã đã kêu gọi xã hội hóa được 150 triệu để trang bị thêm khuôn viên, trang thiết bị nhà văn hóa như dụng cụ thể dục thể thao, bồn hoa cây cảnh. Những năm qua, chương trình NTM đã thực sự thổi luồng sinh khí mới về địa phương, là động lực quan trọng để địa phương tiếp tục sôi nổi xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo..”.

Chia sẻ với chúng tôi về những kết qủa nổi bật và hành trình về đích nông thôn mới nâng cao của huyện, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định, những kết quả nổi bật đạt được sau quá trình thực hiện NTM nâng cao đã làm cho bộ mặt nông thôn Thọ Xuân ngày càng khởi sắc. 

Nông thôn mới tỏa sáng trên vùng quê Thọ Xuân “địa linh, nhân kiệt“ - ảnh 2
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, chia sẻ với phóng viên về những kết quả nổi bật và hành trình về đích nông thôn mới nâng cao của huyện

Thọ Xuân là một trong những huyện lớn của tỉnh Thanh Hóa, Thọ Xuân có 30 xã, thị trấn, đời sống của Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, sau khi đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thấm nhuần quan điểm: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt”, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, toàn diện, bài bản, có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao.

Từ năm 2011 đến 2023 toàn huyện đã huy động trên 18.308 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư vào các nhóm tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung trọng tâm vào 2 nhóm tiêu chí: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất.

Kết quả đến hết năm 2023, chương trình xây dựng NTM nâng cao so với khi đạt chuẩn NTM năm 2019 của huyện, cho thấy: Tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện năm 2023 đạt 6,3%.

Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,6%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 54,2%; ngành dịch vụ, thương mại chiếm 27,2%. Quy mô giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 21.596 tỷ đồng (gấp 1,8 lần năm 2019).

Thọ Xuân là huyện luôn dẫn đầu của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, qui mô lớn theo chuỗi giá trị. Huyện đã tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng. 

Đã hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao Vàng với diện tích hơn 100 ha, có hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. 

Qua đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất được nâng lên, đến năm 2023, tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 44,2%.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện, đến nay có 38 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, đứng đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP. 

Về huy động vốn đầu tư phát triển năm 2023 đạt 6.001 tỷ đồng (gấp 1,3 lần so với năm 2019).

Đến nay, đã có 9 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn huyện với tổng số vốn đăng ký là 1.024,2 tỷ đồng. Dịch vụ thương mại có nhiều khởi sắc, giá trị sản xuất bình quân năm 2023 đạt 5.876 tỷ đồng (gấp 1,6 lần năm 2019).

Văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu của tỉnh; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Đến hết năm 2023, toàn huyện Thọ Xuân đã có 14/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (đạt tỷ lệ 53,8%), 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 18 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, xác định xây dựng NTM, NTM nâng cao luôn là một cuộc “cách mạng” không có điểm kết, bởi những giá trị cốt lõi của nó chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, đổi mới, phát triển.

Trong hành trình cho giai đoạn tiếp theo huyện Thọ Xuân đã đề ra mục tiêu cụ thể là: Tiếp tục xây dựng NTM bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao; phấn đấu hoàn thành 26/26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí phường.

Phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030, một trung tâm động lực quan trọng, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc